Hà Tĩnh xem xét ban hành chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn khi khám chữa bệnh

Nguyễn Diệp Linh
Dự thảo Nghị quyết 'Về chính sách hỗ trợ đối với người thuộc hộ nghèo và một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế giai đoạn 2023 - 2025' là một trong những nội dung quan trọng được đại biểu xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII.

Dự thảo nghị quyết gồm 9 điều với mục đích xây dựng chính sách hỗ trợ đối với người thuộc hộ nghèo và một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế nhằm bảo vệ sức khỏe Nhân dân, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết gồm hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại và một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Minh Đức trình bày tờ trình chính sách hỗ trợ đối với người thuộc hộ nghèo và một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế giai đoạn 2023 - 2025.Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Minh Đức trình bày tờ trình chính sách hỗ trợ đối với người thuộc hộ nghèo và một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế giai đoạn 2023 - 2025.

Những đối tượng nào được thụ hưởng chính sách?

Theo dự thảo nghị quyết, các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ gồm:

- Người thuộc hộ nghèo theo quy định hiện hành.

- Đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng khó khăn theo quy định hiện hành.

- Người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật và người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước.

- Người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim và một số bệnh hiểm nghèo khác theo Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết này.

- Trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật thực hiện phẫu thuật tim bẩm sinh.

Đối tượng thực hiện thanh toán hỗ trợ kinh phí theo quy định gồm: Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm y tế huyện, thành phố, thị xã; Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ này.

Chính sách được thực hiện theo nguyên tắc: Trong cùng một thời điểm, nếu có nhiều kênh hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước với cùng nội dung và đối tượng hỗ trợ thì chỉ được hưởng một chính sách có mức hỗ trợ cao nhất.

Trường hợp người bệnh thực hiện khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu hoặc tự đi khám bệnh, chữa bệnh ngoại tỉnh và tuyến Trung ương (không do chuyển tuyến theo quy định hoặc không phải trường hợp cấp cứu) thì không được hưởng.

Hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại và một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh

Nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết nhằm hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại và một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Theo đó, về hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ 3% mức lương cơ sở/người bệnh/ngày điều trị nội trú đối với người thuộc hộ nghèo; đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng khó khăn khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên. Trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thực hiện phẫu thuật tim bẩm sinh trong mỗi đợt khám và phẫu thuật. Thời gian hỗ trợ không quá 15 ngày.

Hỗ trợ tiền đi lại mức bằng 0,2 lít xăng/km tính theo khoảng cách thực tế và giá xăng tại thời điểm sử dụng đối với người thuộc hộ nghèo; đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng khó khăn khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên bị tử vong hoặc bệnh quá nặng, tiên lượng tử vong và người nhà có nguyện vọng đưa về nhà được hỗ trợ tiền đi lại từ cơ sở y tế về nhà; hỗ trợ tiền đi lại từ cơ sở y tế tuyến tỉnh lên tuyến Trung ương trong trường hợp cấp cứu hoặc đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

Trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng trong mỗi đợt khám và phẫu thuật tim được hỗ trợ tiền đi lại từ nhà đến cơ sở y tế (cả chiều đi và chiều về).

Dự thảo nghị quyết hỗ trợ 50% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với người thuộc hộ nghèo; đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng khó khăn; người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng phải, nhưng tối đa không quá 5 triệu đồng/người/lần hỗ trợ và không quá 3 lần/người/năm.

Hỗ trợ 30% chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim và một số bệnh hiểm nghèo khác. Theo đó, nếu phần người bệnh phải chi trả cho cơ sở y tế từ 1 triệu đồng trở lên và có tổng chi phí điều trị dưới 50 triệu đồng cho một đợt khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp không có BHYT theo quy định, nhưng tối đa không quá 10 triệu đồng/người/lần hỗ trợ và không quá 3 lần/người/năm; nếu có BHYT thì hỗ trợ 50%.

Tổng chi phí điều trị từ 50 triệu đồng trở lên cho một đợt khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp không có BHYT theo quy định, nhưng tối đa không quá 20 triệu đồng/người/lần hỗ trợ và không quá 3 lần/người/năm; nếu có BHYT thì hỗ trợ 50%.

Đối với trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật thực hiện phẫu thuật tim bẩm sinh; trường hợp được phẫu thuật tim do các chương trình/dự án tài trợ toàn bộ chi phí thì không được hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh; trường hợp còn lại thì được hỗ trợ 30% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Hồ sơ, quy trình thực hiện ra sao?

Theo dự thảo nghị quyết, hồ sơ thanh toán kinh phí hỗ trợ gồm: Giấy đề nghị hỗ trợ kinh phí khi khám bệnh, chữa bệnh; bản sao giấy ra viện, bản sao giấy chuyển tuyến (đối với trường hợp chuyển tuyến từ tỉnh lên Trung ương), bản sao giấy báo tử (đối với trường hợp tử vong); bản chính biên lai thanh toán viện phí (trường hợp chỉ đề nghị hỗ trợ tiền ăn hoặc tiền vận chuyển thì không phải nộp).

Ngoài những hồ sơ trên, người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng phải nộp bản sao sổ nhận trợ cấp hàng tháng. Trường hợp người bệnh không thể trực tiếp viết giấy đề nghị thanh toán thì người giám hộ người bệnh có thể viết thay nhưng phải nộp giấy tờ chứng minh rõ mối quan hệ với người bệnh.

Các đối tượng nộp 1 bộ hồ sơ, khi nộp hồ sơ phải xuất trình bản chính để người tiếp nhận hồ sơ đối chiếu, xác nhận bản sao.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đợt khám bệnh, chữa bệnh; các đối tượng phải nộp hồ sơ cho cơ sở y tế để thực hiện việc thanh toán hỗ trợ kinh phí.

Đối với các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ theo quy định tại dự thảo nghị quyết khi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập trong tỉnh; nơi tiếp nhận hồ sơ và thực hiện việc thanh toán kinh phí hỗ trợ là phòng kế hoạch - tài chính/tài chính kế toán thuộc cơ sở y tế nơi người bệnh khám bệnh, chữa bệnh.

Đối với các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ khi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến Trung ương, các cơ sở y tế ngoại tỉnh và các cơ sở y tế ngoài công lập tỉnh Hà Tĩnh; nơi tiếp nhận hồ sơ và thực hiện thanh toán kinh phí hỗ trợ là trung tâm y tế huyện, thành phố, thị xã tại địa phương nơi đối tượng đăng ký thường trú.

Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị thanh toán hỗ trợ kinh phí của đối tượng, cơ sở y tế phải soát xét, thẩm định hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ sở y tế phải thực hiện hỗ trợ kinh phí cho đối tượng.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ sở y tế phải thông báo cho các đối tượng được biết và yêu cầu bổ sung. 30 ngày làm việc kể từ ngày được thông báo, các đối tượng phải hoàn thiện hồ sơ và nộp về cơ sở y tế để được hỗ trợ. Sau khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, trong 3 ngày làm việc, cơ sở y tế phải thực hiện hỗ trợ kinh phí cho đối tượng.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc không đủ điều kiện thanh toán theo quy định: trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ sở y tế phải thông báo từ chối hỗ trợ và trả lại hồ sơ cho đối tượng hoặc người giám hộ đối tượng.

Nhóm P.V