Sáng nay (4/7), tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hà Nội, trên cơ sở tổng hợp 40 lượt đại biểu phát biểu nội dung tại 5 tổ thảo luận chiều 3/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đã báo cáo giải trình làm rõ thêm một số nội dung các đại biểu quan tâm.
Về những vấn đề có liên quan đến chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, ông Hải cho biết, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thành phố luôn ban hành chuẩn nghèo riêng cao hơn chuẩn nghèo quốc gia và ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo.
Cuối năm 2022, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo là 0,095%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 0,99%. Có 16 quận, huyện không có hộ nghèo; riêng 3 quận: Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Dự kiến, vào kỳ họp cuối năm 2023, UBND TP sẽ trình HĐND TP ban hành chính sách hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng trên từ ngân sách thành phố là đúng thẩm quyền, phù hợp với chủ trương “Đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội đi trước một bước so với phát triển kinh tế” của thành phố.
Đồng thời, việc làm này giúp giảm áp lực tài chính của một số nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khi tham gia bảo hiểm y tế (khi cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, mức sống và thu nhập của người dân bị giảm sút, số lượng người tham gia bảo hiểm y tế chưa đạt mục tiêu Trung ương đề ra) và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Thủ đô.
Việc hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi, người khuyết tật nhẹ chưa có thẻ bảo hiểm y tế, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình từ ngân sách Nhà nước thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền thành phố trong việc phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô.
Mặt khác, việc hỗ trợ kinh phí cũng giúp người dân tin tưởng các chính sách an sinh, xã hội của thành phố, tạo động lực từ đó làm tiền đề, tạo thói quen cho người dân tham gia bảo hiểm y tế để đảm bảo công tác chăm sóc y tế khi về già.
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội. Từ ngày 1/8/2022, Hà Nội hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người tham gia trên địa bàn; dự kiến, kinh phí dành cho chính sách này là gần 182 tỷ đồng, áp dụng tới ngày 31/12/2025.
Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội áp dụng từ ngày 1/8/2022, quy định mức hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố có hiệu lực trong cả giai đoạn 2022-2025.
Đối tượng áp dụng là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/02/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm Xã hội và bảo hiểm xã hội tự nguyện của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (trừ trường hợp đóng theo phương thức quy định tại Khoản 2 Điều 8 Chương III Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH), đăng ký thường trú tại thành phố Hà Nội, là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
T/H