UBND thành phố Hà Nội đang giao cho Sở GTVT Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng mục tiêu, lộ trình thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải, trong đó lên kế hoạch chuyển đổi 100% xe buýt chạy dầu sang chạy điện theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đánh giá bước đầu hoạt động của 9 tuyến buýt điện đầu tiên triển khai tại Hà Nội sau 9 tháng vận hành cho thấy ưu điểm vượt trội, thu hút ngày càng đông hành khách bởi chất lượng dịch vụ. Không chỉ cung cấp dịch vụ vận chuyển hiện đại hơn so với buýt chạy xăng dầu, xe buýt điện còn giúp giảm phát thải khí nhà kính bền vững và bảo vệ môi trường tốt hơn. Việc xe buýt điện không khoán về thời gian chuyến đi cũng giúp lái xe chủ động thời gian chuyến đi.
Sau 9 tháng vận hành, xe buýt điện không chỉ cung cấp dịch vụ vận chuyển hiện đại hơn so với buýt chạy xăng dầu mà còn giúp giảm phát thải khí nhà kính bền vững, bảo vệ môi trường tốt hơn.
Theo ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, năm 2022, Hà Nội mở mới thêm 6 tuyến buýt điện gồm: Hào Nam-khu đô thị Ocean Park, Bến xe Giáp Bát-khu đô thị Ocean Park, Long Biên-Cửa Nam-khu đô thị Smart City, khu liên cơ quan sở, ngành Hà Nội-khu đô thị Times City, khu đô thị Smart City-công viên nước Hồ Tây, khu đô thị Smart City-Vincom Long Biên.
Dự kiến, trong những năm tới, thành phố Hà Nội tiếp tục mở thêm các tuyến khác. Ba tuyến buýt điện được khai thác từ năm 2021 gồm Bến xe Mỹ Đình-Ngã Tư Sở- Khu đô thị Ocean Park, Mỹ Đình (Hàm Nghi)-Thái Hà-Khu đô thị Ocean Park, Long Biên-Cầu Giấy-Khu đô thị Smart City. Riêng 6 tháng đầu năm, các tuyến xe buýt điện đã vận chuyển hơn 122 triệu lượt hành khách và lượng khách đang không ngừng tăng lên.
Tổng công ty Vận tải Hà Nội là đơn vị chủ lực vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn, chiếm phần lớn thị phần. Hiện nay, đơn vị này đang vận hành 83 tuyến buýt đấu thầu và 1 tuyến buýt BRT đặt hàng, với tổng số gần 1.100 xe. Từ năm 2016 đến nay, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã tập trung đầu tư gần 600 xe buýt mới tiêu chuẩn khí thải euro 3 và 4 để thay thế các phương tiện cũ. Số phương tiện dưới 5 tuổi hiện là khoảng 800 xe, chiếm trên 73% tổng số phương tiện.
Theo Quyết định 876/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt từ 45-50%.
Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 40% và 10%.
Thực hiện quyết định trên, TP Hà Nội giao cho Sở GTVT Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng mục tiêu, lộ trình thực hiện.
Tổng công ty Vận tải Hà Nội hiện đang vận hành 83 tuyến buýt đấu thầu và 1 tuyến buýt BRT đặt hàng với tổng số phương tiện gần 1.100 xe. Từ năm 2016 đến nay, Tổng công ty đã tập trung đầu tư gần 600 xe buýt mới tiêu chuẩn khí thải euro 3 và 4 để thay thế các phương tiện cũ. Số phương tiện dưới 5 tuổi hiện là khoảng 800 xe chiếm trên 73% tổng số phương tiện. Dự kiến, tổng số phương tiện đủ điều kiện đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe buýt điện từ năm 2025 là 225 xe, chiếm 21,3% đoàn phương tiện hiện có của Tổng công ty.
Để chuyển đổi dần từ buýt chạy xăng dầu sang buýt điện theo kế hoạch, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đang rà soát thời hạn tính khấu hao phương tiện để xác định đơn giá khấu hao phương tiện, đảm bảo thời gian thu hồi đủ vốn đầu tư phương tiện, sau đó sẽ dần thay thế sang xe buýt điện đối với các tuyến buýt đang vận hành.
Căn cứ kế hoạch lộ trình chuyển sang sử dụng xe buýt điện, năng lượng xanh, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đề xuất thành phố Hà Nội chỉ đạo xây dựng lộ trình triển khai xe buýt điện để các doanh nghiệp vận hành xây dựng phương án chuẩn bị; nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu kỹ thuật vận hành phù hợp với đặc điểm kỹ thuật của xe buýt điện và điều chỉnh định mức năng suất ngày xe đối với xe buýt điện không quá 250 km/xe/ngày.
Bên cạnh đó, thành phố cần có chính sách nhất quán và bố trí đủ nguồn ngân sách trợ giá, đảm bảo ổn định hàng năm cho mạng lưới xe buýt khi chuyển dần sang xe buýt điện, nhằm ổn định chất lượng dịch vụ mạng lưới vận tải hành khách công cộng.
Ngoài ra, Sở GTVT cần báo cáo đề xuất thành phố Hà Nội xem xét cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể là bố trí ngân sách hỗ trợ cho xe buýt công cộng và ban hành chính sách hỗ trợ vay vốn, lãi vay đầu tư xe buýt điện, hạ tầng phục vụ xe buýt điện; chỉ đạo các công ty điện lực hỗ trợ phương án cung cấp nguồn điện công suất lớn vận hành các trạm nạp xe điện tại Depot, nhất là các điểm khẩn cấp trên đường./.