Hà Nội: Tập trung đôn đốc thu, giảm nợ đóng bảo hiểm xã hội

Nguyễn Thị Hương
Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) được các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội quan tâm triển khai, đông đảo người dân, người lao động hưởng ứng, tham gia, qua đó góp phần mở rộng diện bao phủ chính sách, bảo đảm an sinh. Tuy nhiên, tính đến thời điểm cuối tháng 7/2022, toàn thành phố còn gần 76.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng với số tiền hơn 4.905 tỷ đồng, bằng 8,68% tổng số tiền phải thu, tăng hơn 142 tỷ đồng, tương ứng với 2,99% so với cùng kỳ năm trước.

Nợ đóng với số tiền hơn 4.905 tỷ đồng

Ngày 3/8, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ BHXH, BHYT 5 tháng cuối năm 2022. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì hội nghị. Tham dự có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh. Hội nghị bàn nhiều nội dung, trong đó tập trung nhiều cho công tác đôn đốc thu, giảm nợ đóng BHXH.

1-1670837590.png
Quang cảnh hội nghị

Chính sách BHXH, BHYT được các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội quan tâm triển khai, đông đảo người dân, người lao động hưởng ứng, tham gia, qua đó góp phần mở rộng diện bao phủ chính sách, bảo đảm an sinh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách còn không ít khó khăn, vướng mắc, nổi cộm là tình trạng nợ đóng BHXH. Tính đến thời điểm cuối tháng 7/2022, toàn thành phố còn gần 76.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng với số tiền hơn 4.905 tỷ đồng, bằng 8,68% tổng số tiền phải thu, tăng hơn 142 tỷ đồng, tương ứng với 2,99% so với cùng kỳ năm trước.

Cần lưu ý, số tiền nợ của các đơn vị ngừng, dừng giao dịch, thuộc diện không thể thu hồi lên tới gần 1.367 tỷ đồng, chiếm 27,9% tổng số nợ; số tiền nợ kéo dài, từ 12 tháng trở lên là gần 1.873 tỷ đồng, chiếm 38,18% tổng số nợ… “Việc các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng BHXH làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động cũng như sự bền vững của hệ thống an sinh xã hội”, Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Đàm Thị Hòa nhấn mạnh.

Gần đây, BHXH thành phố Hà Nội công khai danh sách nhiều đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng với số tiền lớn, trong thời gian dài. Đứng đầu trong danh sách nợ đọng BHXH là Công ty cổ phần Anh ngữ APAX (trụ sở tại tầng 10, tòa nhà 14 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội), nợ đóng của 440 người lao động trong thời gian 29 tháng, với tổng số tiền nợ hơn 48 tỷ đồng; tiếp đến là Công ty cổ phần LILAMA3 (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) nợ đóng của 69 lao động trong thời gian 97 tháng, với tổng số tiền nợ hơn 41,6 tỷ đồng…

Phân tích nguyên nhân, đại diện cho tổ chức của người lao động, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho hay, bên cạnh những doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn, thì thực tế có những doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở trong các quy định của pháp luật hiện hành, cố tình nợ đóng, trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động. Trong khi đó, mức phạt tối đa cho hành vi chậm đóng BHXH của người sử dụng lao động còn thấp, tối đa không quá 75 triệu đồng, tính thêm cả tiền lãi do chậm đóng vẫn thấp hơn so với lãi suất ngân hàng, nên chưa đủ sức răn đe.

Ông Hùng cho biết thêm, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH khó thực hiện do liên quan tới 4 bộ luật (Bộ luật Lao động, Luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn và Luật Bảo hiểm xã hội), dẫn đến sự chồng chéo, cách hiểu chưa đồng nhất. Cụ thể, có luật quy định Công đoàn cơ sở được khởi kiện, có luật quy định phải có chữ ký ủy quyền của từng người lao động, điều này khó khả thi vì rất ít người lao động khởi kiện đơn vị, doanh nghiệp họ đang làm việc...

Kiên quyết xử lý vi phạm

Nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao động, những tháng cuối năm nay, thành phố Hà Nội tiếp tục không để các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng BHXH được tham gia đấu thầu, triển khai các dự án trên địa bàn; công khai danh sách đơn vị nợ đóng qua nhiều kênh thông tin. Ngoài ra, ngành BHXH thành phố phối hợp với các sở, ngành chức năng, các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH tại các đơn vị, doanh nghiệp, tập trung ở các đơn vị có dấu hiệu vi phạm.

2-1670837590.png
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng kết luận hội nghị

“Đây là giải pháp quan trọng để tăng thu, giảm nợ đóng. Dẫn chứng là, từ đầu năm 2022 đến nay, qua thanh tra, kiểm tra với tổng số hơn 3.000 cuộc, Hà Nội đã thu hồi hơn 300 tỷ đồng tiền nợ BHXH, yêu cầu đóng, truy đóng BHXH cho hàng trăm người lao động do các đơn vị trốn đóng, đóng thiếu”, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa khẳng định.

Từ kinh nghiệm triển khai chính sách, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương cho biết, thành phần đoàn thanh tra, kiểm tra về nợ BHXH của quận có đại diện ngành Công an, cơ quan thuế. Lực lượng này nắm rõ những vấn đề liên quan đến tình hình thực hiện chính sách BHXH tại các doanh nghiệp, nên việc thu hồi nợ đạt kết quả khả quan. Từ đầu năm 2022 đến nay, Long Biên tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với hơn 200 đơn vị, doanh nghiệp, đôn đốc thu hồi nợ đạt hơn 80%. Cách làm của quận Long Biên cũng được nhiều quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội triển khai.

Trao đổi về công tác thu hồi nợ BHXH, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh thống nhất, đánh giá cao cách làm của thành phố Hà Nội. Về phần mình, BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để xử lý nghiêm đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng BHXH.

Liên quan đến công tác nợ đóng BHXH, kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về BHXH. Phó Chủ tịch UBND thành phố giao ngành BHXH phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính, làm cơ sở xử lý vi phạm hình sự với các đơn vị nợ đóng, trốn đóng BHXH. Làm tốt điều này, quyền lợi, đời sống của người lao động sẽ được bảo đảm tốt hơn.

Long Nguyễn