Theo dự báo, năm 2023, dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, các loại hình thiên tai như mưa, bão, hạn hán, ngập úng, sạt lở… sẽ tiếp tục diễn ra trái với quy luật. Nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt ngày càng cao. Cùng với đó, các sự cố cháy, nổ, sập đổ công trình, ô nhiễm môi trường, trật tự an toàn giao thông cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thiệt hại.
Vì vậy, để tăng cường công tác phòng chống thiên tai, bão lũ… năm 2023, TP Hà Nội sẽ hoàn thiện và chuẩn bị đầy đủ nguồn lực theo phương châm "4 tại chỗ" để sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống xảy ra. Lên phương án ứng phó với các loại hình thiên tai, sự cố.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP cần triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chị thị số 07 ngày 14/4/2023 của UBND TP về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023.
Theo đó, khẩn trương hoàn thành việc tổng kết, đánh giá công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo, điều hành và xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm 2023. Kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy các cấp, các sở, ban, ngành và phân công nhiệm vụ từng thành viên.
Đồng thời, TP thường xuyên rà soát cập nhật, điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện và chuẩn bị đầy đủ nguồn lực theo phương châm "4 tại chỗ" để sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án đảm bảo cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, đơn vị. Đặc biệt, TP lưu tâm đến các kế hoạch, phương án ứng phó với các loại hình thiên tai, sự cố thường xuyên xảy ra như phương án hộ đê, phương án phòng cháy, chữa cháy điển hình như đợt mưa, lũ rừng ngang tại huyện Chương Mỹ hay cháy rừng tại huyện Sóc Sơn…
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, Sở NN&PTNT, Sở Nội vụ, Sở Tài chính cần sớm tham mưu hoàn thiện bộ máy tổ chức, quy chế hoạt động và thực hiện thu, quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai TP Hà Nội hiệu quả, đúng quy định. Các cấp, các ngành chủ động nguồn lực thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục, đồng thời nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo.
Các đơn vị duy trì nghiêm túc chế độ trực ban 24/24 giờ theo quy định. Theo dõi chặt chẽ, thông tin, báo cáo kịp thời diễn biến của thời tiết, thiên tai, sự chỉ đạo điều hành của Trung ương, TP Hà Nội để làm tốt công tác thông tin, báo cáo, phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, địa phương. Kịp thời tham mưu chỉ huy, chỉ đạo phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có hiệu quả.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà đã ký ban hành Quyết định số 49/QĐ-BCĐ, về phương án cứu trợ và bảo đảm đời sống Nhân dân khi có sự cố, thiên tai của TP Hà Nội năm 2023.
Theo đó, các tình huống thiên tai được TP đưa ra gồm: Bão mạnh, siêu bão, mưa lớn ngập úng khu vực ngoại thành; Vỡ đê trọng điểm đê, kè Cổ Đô tương ứng K4+000-K8+600 hữu Hồng, huyện Ba Vì; Vỡ đê hữu Hồng trọng điểm cống Cẩm Đình tương ứng K1+700 đê Vân Cốc, huyện Phúc Thọ;
Vỡ trọng điểm cống Liên Mạc tương ứng K53+450 đê hữu Hồng; Vỡ trọng điểm khu vực đê, kè Xuân Canh - cống Long Tửu tương ứng K0+000-K2+000 đê tả Đuống, huyện Đông Anh; Vỡ đê tả Bùi, tả Tích, lũ quét rừng ngang, huyện Chương Mỹ; Vỡ đê sông Mỹ Hà, huyện Mỹ Đức; Vỡ đập, hồ thủy lợi; Các thảm họa (sập, đổ nhà và các công trình xây dựng, sự cố rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại, chất phóng xạ, cháy, nổ lớn..); Động đất.
Về các giải pháp ứng phó tình huống ngập, úng, vỡ đê, đập, hồ thủy lợi, người dân chủ động dự trữ lương thực, chất đốt, nước sạch, mắm muối, thực phẩm khô và thuốc y tế thông thường cho thời gian 1 tháng.
UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện phương châm “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh; Bố trí kịp thời; Khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) và “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; Hậu cần tại chỗ). Chuẩn bị dự trữ hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu trong thời gian 7 ngày.
UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện công tác xây dựng kế hoạch sơ tán, giúp đỡ và bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân; Tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức, chủ động sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai. Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh phương án cứu trợ và đảm bảo đời sống Nhân dân.
Đặc biệt, các đơn vị kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa, lương thực, nước uống, thuốc y tế, phương tiện và lực lượng vận chuyển hàng, phân phối hàng, cấp phát hàng, lực lượng cán bộ y tế lưu động; Tổ chức các hoạt động cung cấp hàng cứu trợ khẩn cấp tới Nhân dân vùng bị ảnh hưởng…
Sở Công thương Hà Nội có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố đăng ký tham gia chương trình dự trữ hàng cứu trợ khẩn cấp; Thực hiện dự trữ hàng cứu trợ khẩn cấp gồm: Mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô, nước uống, nến thắp sáng, thực phẩm chế biến, gạo ăn, dự kiến cho khoảng 250.000 người, trong thời gian 7 ngày.
Về định mức: Đồ khô ăn liền 3 gói/người/ngày; Nước uống 2 lít/người/ngày; Nến thắp sáng 1 cây/người; Thực phẩm chế biến 1 hộp hoặc gói/người/ngày; Sữa uống (hộp giấy) 1 hộp/người/ngày; Gạo ăn 0,3kg/người /ngày (số lượng cho khoảng 50.000 người).
Minh Phong