Thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng tại Hà Nội, hệ thống loa phường tại thủ đô cũng đã được khôi phục để phục vụ tuyên truyền chống dịch. Tuy nhiên, việc lặp lại loa phường hiện nay đang vấp phải vấn đề đặt ra có cần thiết hay không?
Vai trò thông tin của loa phường mờ nhạt
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thành phố. Để nâng hiệu quả công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 tại 579 xã, phường, thị trấn có hệ thống loa truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố...
Đến năm 2025, 100% quận, huyện, thị xã có bảng tin điện tử công cộng cỡ lớn (màn hình LED, màn hình LCD) được kết nối với hệ thống thông tin nguồn thành phố. 100% đài truyền thanh cấp xã chuyển đổi sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói.
Trước đó, thành phố từng khảo sát ý kiến người dân về việc dừng hoạt động loa phường. Tuy nhiên theo kế hoạch mới, Hà Nội sẽ phủ sóng loa phường trở lại nhằm phổ biến thông tin thiết yếu. Việc này thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển xã hội cho rằng, ở góc độ cá nhân bà, loa phường không có tác dụng bởi nhiều lý do. Đa phần người dân đi làm vào giờ hành chính, khi về nhà thì bận rộn đủ thứ việc. Trong khi tiếng ồn của thành phố quá lớn, nhiều khi loa phát nhưng không nghe được thông tin mà chỉ thấy tiếng ầm ầm trộn lẫn âm thanh của phố xá. Hà Nội muốn triển khai loa phường thì nên có đánh giá hiệu quả cụ thể từng tổ dân phố, khu dân cư xem nhu cầu thông tin, mong muốn của người dân như thế nào.
"Hiện nay mọi người sử dụng Internet rất nhiều, qua các hội nhóm như Zalo thì có thể thông báo thông tin qua các hình thức này. Chứ bây giờ mất công xây dựng hệ thống loa mà người ta không nghe lại quá lãng phí. Như ở phường tôi ở, công an khu vực có Zalo các hộ dân thì họ thường nhắn qua đây, thông tin cập nhật liên tục, nhanh gọn hơn loa phường rất nhiều", TS. Hồng nói.
Nhà nghiên cứu về Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, về mặt thông tin, tại đô thị có vai trò lớn của tổ trưởng dân phố, đoàn thể. Họ được hưởng phụ cấp hàng tháng nên hoạt động có trách nhiệm. Đây là cánh tay nối dài của phường. Thực tế tại các phường nội đô, khi thông báo chính sách của Đảng và Nhà nước và chính quyền sở tại, các tổ trưởng hoạt động khá hiệu quả. Do đó, vai trò thông tin của loa phường càng mờ nhạt.
Trong bối cảnh không gian đô thị ồn ào, lại nhiều nguồn thông tin thì loa phường cần xem xét lại cách thức hoạt động. Trong khi vai trò của loa phát thanh tại xã vẫn còn hữu ích thì vẫn duy trì.
Nên để người dân được lựa chọn
TS. Đào Tuấn Hậu, Giảng viên khoa Triết học - Đại học KHXH&NV TP.HCM khẳng định không thể phủ nhận trước đây loa phường là phương tiện phổ biến thông tin hiệu quả. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ và đời sống, hầu như cá nhân, gia đình nào cũng có 1 thiết bị thông tin cho riêng mình như tivi, máy tính, điện thoại di động... thì nhiều nơi loa phường không còn cần thiết và không phù hợp. Những nơi này bỏ đi cũng là hợp lý.
Ở Hà Nội, nhiều người dân phản ứng có thể vì 3 lý do sau:
Thứ nhất là nội dung thông tin không hấp dẫn;
Thứ 2 là ô nhiễm tiếng ồn ở đô thị đã quá tải với đời sống của người dân nên thêm tiếng loa phường vào mỗi sáng sớm và chiều tối thì càng khiến người dân khó chịu;
Thứ 3 là thông tin ở đô thị quá phát triển nên nội dung loa phường cung cấp không còn thiết thực với đời sống người dân.
Do đó, cần có khảo sát thực tế ý kiến người dân từng địa phương và nên dành quyền lựa chọn cho ý kiến mà nhiều người đồng tình. Ngoài ý kiến của các chuyên gia, những hoạt động có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đại đa số người dân như thế này nên có những cuộc thăm dò dư luận, điều tra xã hội học để có quyết định đúng đắn nhất. Nếu người dân địa phương đó cảm thấy nó không còn phù hợp, nếu dân không thích thì bỏ là đúng thôi. Đừng vì lý do cảm tính của cá nhân lãnh đạo nào mà bỏ quên quyền lợi của người dân.
Với thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay thì việc thông tin hoạt động của khu phố, của phường có thể bằng rất nhiều cách. Như ở TP.HCM, các phường hầu như đều không còn loa phường, mỗi khu phố có 1 bảng tin, có hoạt động gì lớn thì tổ trưởng tổ dân phố đến từng nhà gửi thư mời, thông báo... Vì địa giới 1 phường hiện không rộng lắm, việc đi lại cũng rất dễ dàng. Còn chính sách của quận – huyện, thành phố, trung ương thì người ta có thể tiếp xúc qua nhiều kênh như tivi, radio, báo chí...
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, xu thế bây giờ các phương tiện online qua Internet quá bùng nổ. Số lượng người dân dùng điện thoại thông minh có thể tương tác với chính quyền địa phương qua Internet, online rất lớn, nên tương tác tiện lợi hơn rất nhiều. Nên hướng việc truyền thông tin qua hình thức online thay vì qua loa phường. Chúng ta không phê phán việc dùng loa phường nhưng nên lựa chọn hình thức truyền tải thông tin thiết thực, hiệu quả hơn.