Hà Nội: Phấn đấu 100% cấp huyện của thành phố hoàn thành xây dựng nông thôn mới

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Với 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn, Hà Nội đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ nay đến cuối năm, Thành phố sẽ ưu tiên nguồn lực, phấn đấu 100% cấp huyện của thành phố hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2022.
ha-noi-1658464189.jpg
Diện mạo khu vực nông thôn khu vực Hà Nội

Trong quý II/2022, công tác chỉ đạo và triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông của thành phố Hà Nội tiếp tục được triển khai bài bản, khoa học, đạt hiệu quả cao; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay, toàn thành phố đã có 382/382 (đạt 100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới. Về cấp huyện cũng đã có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. 3 huyện còn lại là: Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức đang bám sát Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tiến hành hoàn thiện các tiêu chí huyện, phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Về xây dựng nông thôn mới nâng cao, toàn thành phố cũng đã có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Điển hình là huyện Đan Phượng đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trong năm 2022, huyện Đan Phượng đã đăng ký thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và đang rà soát, hoàn thiện hồ sơ theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2022.

Từ năm 2021 đến quý II/2022, có 9 quận thuộc thành phố đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 386,3 tỷ đồng. Trong đó quận Tây Hồ đã bố trí hỗ trợ 5 huyện (Mỹ Đức, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Mê Linh, Phú Xuyên) với tổng kinh phí là 175,8 tỷ đồng; quận Thanh Xuân (75 tỷ đồng), quận Ba Đình (57 tỷ đồng), Hoàn Kiếm (31,9 tỷ đồng)...

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay thành phố đã có 1.649 sản phẩm OCOP (gồm 4 sản phẩm 5 sao, 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao). Thành phố hiện có 1.342 hợp tác xã nông nghiệp. Trong đó, có 60 hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ; 84 hợp tác xã nông nghiệp có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm…

6 tháng đầu năm, toàn thành phố đã huy động được 3.950 tỷ đồng thực hiện xây dựng nông thôn mới; giải quyết việc làm cho trên 118,9 nghìn lao động, đạt 74,3% kế hoạch giao năm 2022, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021…

Tại Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU đến hết Quý II-2022, triển khai nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU - Nguyễn Thị Tuyến chủ trì này 8/7 vừa qua.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung rà soát lại để đưa vào nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo. Trong đó, cần tập trung hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp trong năm 2022 từ 2,5-3%; hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại 3 huyện còn lại (Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức) để đến hết năm 2022, 100% huyện của Hà Nội đạt huyện nông thôn mới; đồng thời hoàn thành mục tiêu xây dựng thêm 25 xã nông thôn mới nâng cao, 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong nhiệm vụ tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư. Cùng với đó, tập trung phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 400 sản phẩm OCOP mới.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị các quận tiếp tục nghiên cứu quan tâm hỗ trợ các huyện ngoại thành Hà Nội xây dựng nông thôn mới theo quy định, đặc biệt là các huyện còn nhiều khó khăn và các huyện phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới năm 2022.

Phương Linh