Theo ghi nhận của, người dân tại thôn Chợ Nga (xã Thanh Xuân, Sóc Sơn) đang thiếu nước sạch trầm trọng. Để có nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày, họ phải trông chờ vào nguồn nước giếng khơi, nước mưa và số ít dùng nước giếng khoan.
Chia sẻ với PV, bà Chiểu (ở thôn Chợ Nga) cho biết, tình trạng thiếu nước sinh hoạt kéo dài suốt từ đầu những năm 2000-2001 đến nay vẫn chưa được giải quyết.
“Thiếu nước sinh hoạt khổ lắm! Để có nước, nhiều hộ dân phải bỏ chi phí lớn để làm giếng khoan và hệ thống ống đưa nước về nhà. Có hộ sử dụng giếng khoan từ ngoài đồng ruộng cách nhà khoảng 3km”, bà Chiểu phản ánh.
Cùng ở thôn Chợ Nga, gia đình bà Nguyễn Thị Hến đã có giếng khoan nhưng không có đủ nước dùng. Nhất là vào mùa khô, từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau, người dân trên địa bàn thường xuyên sống trong cảnh thiếu nước.
Dù thời tiết tại Hà Nội những ngày trước có mưa nhiều nhưng hàng nghìn hộ dân ở huyện Sóc Sơn vẫn phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt. |
Nhà bà Hến ở giữa làng, mấy chục năm trước đã đào giếng khơi như hầu hết các hộ ở Chợ Nga. Thế nhưng nước giếng khơi chỉ đủ sinh hoạt 6 tháng. Thời gian còn lại trong năm, dù tiết kiệm, dè sẻn hết mức cũng không thể nào đủ dùng cho cả gia đình.
Ông Hưởng (chồng bà Hến) chỉ cho chúng tôi vị trí 2 giếng khoang trong nhà. Giờ đã được lấp, cây cỏ mọc phủ kín. Những tháng mùa khô, gia đình phải đi xin nước nhà hàng xóm.
"Những ngày này vừa mưa xong nên dưới giếng có nước. Tuy nhiên, sang tháng 11 là nước bắt đầu cạn dần, đến tháng 12 thì sẽ cạn kiệt, không có đến 1 giọt”, ông Hưởng nói.
Gia đình nhà ông Hưởng tại thôn Chợ Nga (xã Thanh Xuân, Sóc Sơn) đã nhiều lần đào giếng rồi phải lấp đi vì không có nước. |
Để khắc phục tình trạng thiếu nước mùa khô, gia đình ông Hưởng cùng nhiều hộ khác trong thôn dẫn nước từ ao trước nhà văn hóa thôn về bơm xuống vườn, nước thấm xuống, lọc tạm qua đất để lấy mạch nước ngang cho giếng.
Thế nhưng năm ngoái có trận mưa lớn làm cống bê tông dẫn nước thải vỡ toác, tràn nước bẩn vào ao. Nguồn nước mặt duy nhất của thôn ô nhiễm, bà con phải rút máy bơm và ống dẫn nước về, thôn Chợ Nga lại càng “khát” nước.
Ao thôn Chợ Nga là nơi hàng trăm hộ dân dẫn nước về bơm vào vườn để khắc phục tình trạng khan hiếm nước mùa khô. |
Năm 2021, trận mưa lớn đã làm cống bê tông dẫn nước thải vỡ toác, tràn nước bẩn vào ao. Nguồn nước mặt duy nhất của thôn ô nhiễm, bà con phải rút máy bơm và ống dẫn nước về. |
|
Nhà ông Hưởng chằng chịt dây điện máy bơm cùng ống dẫn nước. |
Không chỉ riêng thôn Chợ Nga, hầu hết các thôn ở địa bàn xã Thanh Xuân đều khan hiếm nước sạch. Người dân hầu như dùng nước giếng khơi và nước mưa, số ít có điều kiện mới dùng nước giếng khoan nhưng cũng phải đầu tư tốn kém, đưa nước từ khoảng cách mấy cây số về nhà.
Nhà anh Nguyễn Văn Bình tại thôn Thanh Nhàn (xã Thanh Xuân) may mắn hơn là giếng khoan có nước. Anh cùng một số hộ lân cận rủ nhau ra sân bóng thôn Thanh Nhàn khoan giếng, mua dây rồi dẫn nước khoảng 2km mới đến nhà.
Khắp đường làng, ngõ xóm đều là những bể chứa nước và dây kéo nước chằng chịt nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của bà con nơi đây. |
Nước giếng khơi dù có ô nhiễm thì người dân vẫn phải dùng bởi không còn nguồn nước nào khác. |
Mở cánh cửa chiếc máy lọc nước của nhà mình, anh Bình cho chúng tôi xem chiếc lõi lọc mới thay được 1 tuần mà đã đen kịt. Bình thường, với nguồn nước giếng khoan, lõi lọc có thể sử dụng 7-8 tháng mới phải thay 1 lần. Nhưng tại đây, nhà anh Bình nói riêng và các hộ dân nói chung phải thay ít nhất 1 lần mỗi tháng.
Chiếc lõi lọc nước mới thay được 1 tuần của nhà anh Bình đen kịt. |
Xung quanh những giếng khoan tự phát quanh sân bóng Thanh Nhàn là nhiều máy bơm, các loại dây điện chằng chịt, ống nước vắt vẻo... lộ thiên gây mất mỹ quan và nguy hiểm.
Cùng tình trạng trên, tại thôn Phú Hạ (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) cũng xảy ra tình trạng thiếu nước. Chia sẻ với PV, bà Chi – một người dân trong thôn cho hay, gia đình bà một ngày dùng hai bình nước chỉ để ăn uống.
“Nửa năm không sử dụng máy giặt vì không có nước. Có đợt cái giếng khơi cạn đáy, nhà tôi thuê người nạo vét, nhưng càng vét càng khô. Tắm giặt là vợ chồng con cái thay nhau chạy về nhà anh trai tôi ở xã Tân Dân để tắm nhờ”, bà Chi chia sẻ.
Dọc đường thôn Phú Hạ (xã Minh Phú) có rất nhiều ống dẫn nước dài dằng dặc chạy từ ngoài đồng về nhà các hộ dân. Người dân tại đây cho biết, thiếu nước nên mọi người phải chung tiền đào giếng ngoài ruộng rồi dẫn nước về, có nhiều nhà ở xa phải dẫn đường ống đến 5km.
Cơ sở Thanh Trí của trường Mầm non Minh Phú phải lắp ống dẫn nước giếng khơi từ nhà dân, cách trường hơn 1km.
Không chỉ Minh Phú, Thanh Xuân mà rất nhiều xã khác của huyện Sóc Sơn cũng lâm cảnh thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, ''khát'' nước sạch ngay giữa mùa mưa.
Người dân mong muốn sớm được sử dụng nước sạch từ các nguồn cấp nước tập trung để bảo đảm sức khỏe và ổn định cuộc sống. |
Chia sẻ với về thực trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Phú, ông Nguyễn Thế Lưu thông tin: Xã có 8 thôn với trên 3.500 hộ thì có 2 thôn Thanh Trí và Phú Hạ thiếu nước trầm trọng (8-9 tháng/năm). Các thôn còn lại tuy không quá khó khăn về nước sạch nhưng cũng phải dùng rất tiết kiệm.
“Khổ nhất là vào dịp Tết, có tới trên 90% số hộ ở thôn Thanh Trí và Phú Hạ thiếu nước. Ở hai thôn này, việc lo đủ lương thực, thực phẩm Tết còn dễ hơn lo đủ nước dùng trong sinh hoạt”, ông Nguyễn Thế Lưu nói.
Trước đó, từ giữa năm 2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3846/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho địa phương này. Thành phố giao liên danh Công ty cổ phần Aquaone và Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống triển khai dự án cấp nước sạch cho 18 xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn, với mục tiêu là đến hết năm 2020, huyện Sóc Sơn sẽ được phủ kín hệ thống cấp nước sạch. Tuy nhiên đến nay, tháng 9/2022, dự án trên vẫn… nằm trên giấy.
Theo Infonet