Hà Nội đã dành hơn 10,6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do COVID-19

Đặng Thu Hằng
Cùng với các chính sách của Trung ương, Hà Nội cũng đã ban hành một số chính sách đặc thù để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, người lao động, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em... gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tổng ngân sách thực hiện đạt hơn 10 , 6 nghìn tỷ đồng.
hotronguoidantrongcovid19-227-1671300193.jpeg
Trao hỗ trợ người dân ở Hà Nội trong đại dịch COVID-19, tháng 8/2021. (Ảnh: Duy Linh).

Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, trong gần 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 đã tác động trực tiếp và ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập và đời sống của nhân dân. Hà Nội đã tập trung các nguồn lực, triển khai các giải pháp quyết liệt, hiệu quả để phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.

Cùng với các chính sách của Trung ương, thành phố Hà Nội cũng đã ban hành một số chính sách đặc thù để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, người lao động, người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em... gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tổng nguồn lực thực hiện là hơn 10.640,4 tỷ đồng.

Số liệu tới hết tháng 6 năm nay cho thấy, Hà Nội có gần 81,8 nghìn người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Cùng với đó là hơn 200 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng, hơn 2.900 đối tượng bảo trợ xã hội đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội của Thủ đô. Trên địa bàn còn 3.612 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,17% và 30.176 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,38%.

Trước đó, vào tháng 6/2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030.

Mục tiêu chung là tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các cấp, các ngành, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố theo từng giai đoạn, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội ở các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu của nhân dân hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng, hiện đại và góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Mục tiêu cụ thể của kế hoạch là đến năm 2025, đạt cơ cấu tối thiểu 50% số cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở liên quan khác có cung cấp dịch vụ công tác xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa một số dịch vụ công tác xã hội. 85% đến 90% người có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ công tác xã hội. 100% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp xã hội và được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp.

Trong giai đoạn 2021-2025, xây dựng các mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại trung tâm công tác xã hội, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, trường giáo dưỡng, hệ thống tư pháp, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, ngôi nhà tạm lánh, mô hình nuôi con nuôi, mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn và mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cộng đồng.

Trong giai đoạn 2026-2030, triển khai nhân rộng các mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội nêu trên. Thí điểm xây dựng mô hình công tác xã hội trong trường học, công tác xã hội với người cao tuổi tại cộng đồng, công tác xã hội với người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần tại cộng đồng.