Ngày 13-4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá về tình hình triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông điện tử được triển khai thí điểm tại thành phố Hà Nội từ ngày 21-11-2022 đến nay.
Đó là thủ tục “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ chi phí mai táng”.
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Phan Văn Mến cho biết, việc triển khai đồng bộ 2 thủ tục hành chính liên thông điện tử trên địa bàn Hà Nội bước đầu đạt những kết quả tích cực.
Trong khoảng thời gian từ ngày 21-11-2022 đến ngày 10-4-2023, BHXH thành phố đã cấp được 17.511 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi, giải quyết 196 trường hợp hưởng trợ cấp mai táng qua Cổng dịch vụ công liên thông.
Sử dụng dịch vụ này, người dân chỉ cần khai báo thông tin một lần để giải quyết cùng lúc nhiều thủ tục hành chính, qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí; còn hệ thống cơ quan BHXH giảm áp lực tại bộ phận “một cửa” của các đơn vị, giải quyết công việc nhanh, thuận tiện và khoa học hơn…
Tuy nhiên, quá trình triển khai thí điểm 2 thủ tục hành chính liên thông điện tử cũng gặp không ít khó khăn do số đông người dân còn có tâm lý muốn đến trực tiếp cơ quan BHXH để giải quyết các thủ tục cho yên tâm. Hơn nữa, quy trình giải quyết còn phức tạp, nên nhiều người bị rối khi tiến hành kê khai, nhất là với người lớn tuổi và những người ít tiếp xúc với công nghệ thông tin…
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh cho biết, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm các thủ tục liên thông điện tử sẽ được các bên tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp tháo gỡ.
Theo ông Chu Mạnh Sinh, ở góc độ thực hiện, BHXH thành phố Hà Nội cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xác thực, đồng bộ cơ sở dữ liệu về BHXH trên địa bàn với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện thành công công tác chuyển đổi số… Cùng với đó, BHXH Hà Nội cần tăng cường truyền thông, hướng dẫn để người dân, người lao động, cán bộ tại bộ phận “một cửa” của xã, phường, thị trấn thực hiện tốt hơn việc kê khai, nhập dữ liệu ban đầu bảo đảm chính xác, giúp quy trình giải quyết diễn ra nhanh và thông suốt hơn…
Theo Hà Nội mới