Hà Nội: Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2022

Lã Thị Thúy Hằng
UBND thành phố yêu cầu đối với lực lượng Công an thành phố và Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, nhất là hàng giả, hàng nhập lậu, chú trọng nguồn gốc, chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường, nhãn mác sản phẩm, chuyển truy tố các vụ nghiêm trọng theo quy định của pháp luật

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND về đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022.

Theo đó, Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội giao cho các sở, ban, ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an thành phố, Cục Quản lý thị trường căn cứ tình hình quản lý của ngành chủ động tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như: Bánh trung thu, kẹo, rượu, bia, nước giải khát; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm sản xuất bánh trung thu, nhân bánh trung thu, bao bì chứa đựng trực tiếp bánh trung thu…

Thời gian triển khai từ ngày 15/8/2022 đến ngày 15/9/2022.

Riêng đối với lực lượng Công an thành phố và Cục Quản lý thị trường Hà Nội, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị này tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động phát hiện, điều tra làm rõ vụ việc có dấu hiệu vi phạm đối với các loại thực phẩm phục vụ Tết Trung thu lưu thông trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, nhất là hàng giả, hàng nhập lậu, chú trọng nguồn gốc, chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường, nhãn mác sản phẩm, chuyển truy tố các vụ nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Đối với các quận, huyện, thị xã, căn cứ vào tình hình của địa phương chủ động tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết trung thu năm 2022 tại các xã, phường, thị trấn. Kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực thẩm đã được phân cấp trên địa bàn quận, huyện, thị xã. Đặc biệt, phúc tra, giám sát các cơ sở do xã, phường, thị trấn đã kiểm tra.

Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm Tết trung thu năm 2022 tại địa phương và kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực thẩm đã được phân cấp trên địa xã, phường, thị trấn. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thực phẩm không đảm bảo an toàn. Cùng với đó, tổ chức ký cam kết trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định.

“Việc thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vi phạm về chất lượng và điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, chú trọng vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu. Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định pháp luật”, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, Sở Công Thương vừa ban hành Văn bản số 3479/SCT-QLTM nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu và thực hiện công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em trên địa bàn thành phố đón Tết trung thu vui tươi, an toàn.

a4-1660063778.jpg

Tuyên truyền, vận động người tiêu dùng không mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác, quá hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng.

Sở Công Thương đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bánh trung thu, các trung tâm thương mại, siêu thị, đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ Tết Trung thu trên địa bàn tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; tuyên truyền, vận động người tiêu dùng không mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác, quá hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng.....

Đồng thời, kiên quyết loại bỏ các điểm kinh doanh bánh trung thu, kinh doanh thực phẩm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng..., không bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, gây mất trật tự mỹ quan đô thị, không bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Công khai thông tin các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn qua các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết và cùng giám sát.

Sở cũng yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu trên địa bàn (chú trọng cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm).

Bên cạnh đó, đối với cơ sở sản xuất bánh trung thu, thực phẩm phục vụ Tết Trung thu, Sở Công Thương yêu cầu tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất theo quy định hiện hành; người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và được chủ cơ sở xác nhận; nhãn sản phẩm phải ghi đủ và đúng thông tin theo quy định, không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng…

Trường hợp cơ sở tiến hành hoạt động bán hàng, kinh doanh qua mạng các sản phẩm thực phẩm phục vụ Tết Trung thu thì thực hiện đăng ký, thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, thiết lập website thương mại điện tử và tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

T.Hằng