Gửi "từ thiện" vào đâu để đến đúng đối tượng, đúng thời điểm

Tạp Chí Nhân Đạo
“Nghệ sỹ Hoài Linh không nên đưa tới bà con 500 nghìn đồng hay 1 triệu đồng vào thời điểm này vì giờ đây số tiền này không thực sự hiệu quả” - TS Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhấn mạnh.
Những ngày qua, câu chuyện danh hài Hoài Linh "ôm" số tiền gần 14 tỷ đồng của các nhà hảo tâm đóng góp chia sẻ với khó khăn của người dân miền Trung trong đợt mưa lũ lịch sử xảy ra vào tháng 10/2020 làm "nóng" dư luận xã hội. Mặc dù Hoài Linh đã lên tiếng giải thích lý do và xin lỗi nhưng dư luận vẫn khó cảm thông về sự chậm chễ ấy. 
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV2, TS Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho rằng đây là sự việc rất đáng suy ngẫm.
Phóng viên: Thưa TS Trần Quốc Hùng! Những ngày qua, dư luận rất bức xúc về việc nghệ sỹ Hoài Linh chậm giải ngân số tiền gần 14 tỷ đồng mà các nhà hảo tâm chuyển khoản để hỗ trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng trong đợt lũ lịch sử xảy ra vào 10/2020. Qua thực tế triển khai các hoạt động từ thiện, nhân đạo tại Hội Chữ thập đỏ Việt nam, ông nhìn nhận như thế nào về sự việc này?
TS Hùng: Các cụ ta có câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Liên hệ với việc cứu trợ đồng bào bị lũ lụt thì chúng ta phải nhanh nhẹn, kịp thời. Làm được như thế thì việc cứu trợ sẽ hiệu quả hơn. Như vậy, rõ ràng sau 6 tháng mà Hoài Linh vẫn chưa triển khai các hoạt động cứu trợ thì là việc đáng suy nghĩ.
Tuy vậy, về khía cạnh quản lý thiên tai, thảm họa, chúng ta cũng cần hiểu rằng quy trình quản lý thiên tài thảm họa có tới 5 giai đoạn: giai đoạn 1 là phòng ngừa; giai đoạn 2 là ứng phó khẩn cấp; giai đoạn thứ 3 là phục hồi; giai đoạn 4 tái thiết,; giai đoạn 5 năm là các hoạt động giảm nhẹ. Trong quá trình hỗ trợ nhân đạo, từ thiện liên quan đến thiên tai, thảm họa thì không chỉ có ứng phó khẩn cấp mà sau đó có thể hỗ trợ mang tính phục hồi. Với các nguồn lực lớn, có thể tổ chức thực hiện hoạt động tái thiết về “điện, đường, trường, trạm” rồi thực hiện các hoạt động giảm nhẹ. Như Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, chúng tôi tiến hành trồng rừng ngập mặn để giảm nhẹ, rồi triển khai các hoạt động phòng ngừa như tập huấn đào tạo nâng cao năng lực….Vậy thì nguồn lực mà chúng ta vận động được cũng không chỉ để hỗ trợ ngay lập tức mà còn có thể triển khai về sau song với nguồn lực lớn thì cần một kế hoạch cụ thể.
Phóng viên: Hoạt động hỗ trợ có nhiều giai đoạn. Vậy theo ông, nghệ sỹ Hoài Linh nên sử dụng số tiền này như thế nào để việc hỗ trợ đem lại hiệu quả và ý nghĩa?
TS Hùng: Tôi cũng khuyên những cá nhân, người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng lớn nên phối hợp với các cơ quan, tổ chức chính thống, như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đặc biệt là Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Chúng tôi có hệ thống, vào những thời điểm khó khăn nhất chúng tôi vẫn có thể tiếp cận được người cần trợ giúp. Thêm nữa, thông qua đây chúng tôi còn có thể lồng ghép với các nguồn lực khác nhau. Việc hỗ trợ không chỉ là ứng phó khẩn cấp mà còn hướng tới phát triển bền vững như chúng ta vẫn nói “cho cái cần câu”.
Tôi khuyên nghệ sỹ Hoài Linh nhanh chóng triển khai nguồn lực này. Trong giai đoạn này, không nên đưa bà con 500 nghìn đồng hay một triệu đồng vì lúc này số tiền này sẽ không thực sự hiệu quả. Nghệ sỹ nên phối hợp với các cơ quan, đơn vị để triển khai những hoạt động phục hồi hoặc giảm nhẹ vì mùa mưa lũ cũng sắp đến. Chúng ta có thể tổ chức những hoạt động như tập huấn, cung cấp thông tin kiến thức cho người dân về phòng ngừa, ứng phó với thiên tai…Kinh nghiệm cho thấy tiêu 1 đồng trong đoạn phòng ngừa thì hiệu quả giá trị bằng 15 đồng khi mà thiên tài thảm họa, dịch bệnh xảy ra. Chúng ta cũng có thể xây dựng các công trình tránh lũ, mua sắm các phương tiện, dụng cụ sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề, cung cấp bò giống….


TS Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

Phóng viên: Không thể phủ nhận vai trò của các nghệ sỹ, người nổi tiếng trong việc kêu gọi nguồn lực cho các hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, từ vụ việc này, dư luận cho rằng pháp luật cần có các quy định, quy chuẩn về hoạt động huy động, vận động từ thiện của cá nhân. Quan điểm của ông như thế nào?
TS Hùng: Hiện nay, chúng ta vẫn đang thực hiện các hoạt động này theo Nghị định 64 của Chính phủ, ban hành năm 2008. Theo Nghị định này, chỉ có 4 tổ chức được đứng ra vận động các nguồn hỗ trợ, bao gồm Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập đỏ, các quỹ xã hội quỹ từ thiện, các cơ quan báo chí. Vậy theo nghị thì các cá nhân không có quyền vận động. Tuy vậy, trong thực tế hiện nay, một số cá nhân như MC Phan Anh, ca sĩ Thủy Tiên hay trong trường hợp này là nghệ sĩ Hoài Linh vẫn đứng ra vận động. Các luật sư cho rằng họ không sai do thực hiện theo bộ luật dân sự. Ở đây chúng ta thấy có khoảng trống pháp luật, chưa rõ ràng, cụ thể. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ từ năm 2020 đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và một số tổ chức khác nghiên cứu để trình Chính phủ Nghị định thay thế cho Nghị định 64. Tôi biết là những điểm sửa đổi trong dự thảo Nghị định lần này là cá nhân sẽ được quyền tổ chức các hoạt động vận động quyên góp. Điều đó rất đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xã hội hóa công tác từ thiện. Với đất nước còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh thì đây là hết sức cần thiết nhưng cần quy định hết sức rõ ràng, làm sao phải tuân thủ về tính kịp thời, minh bạch. Chúng tôi có tham vấn là cá nhân được quyền vận động nhưng với nguồn có giá trị lớn thì cần có kiểm toán như tổ chức khác. Như ở Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, chúng tôi có hệ thống kiểm toán, không chỉ trong nước, tính minh bạch rất cao.
Phóng viên: Hoạt động từ thiện, nhân đạo thời gian qua còn bộc lộ tình trạng chồng chéo trong việc kêu gọi, triển khai các hoạt động cứu trợ. Theo ông, vấn đề này cần được nhận và quy định như thế nào để không tái diễn khi sửa đổi Nghị định?
TS Hùng: Hiện nay, nhiều tổ chức đứng ra vận động và triển khai các hoạt động nhân đạo từ thiện. Quá trình này có 5 bước: bước 1 là tổ chức vận động; bước 2 là tiếp nhận; bước 3 là triển khai nguồn lực đó; bước 4 là kiểm tra, giám sát; bước 5 là tổ chức tôn vinh khen thưởng. Tuy nhiên, Nghị định 64 chưa phân rõ ràng là tổ chức nào nên tham gia những giai đoạn nào để sẽ phát huy tốt hơn vai trò, chức năng của từng tổ chức. Theo ý kiến của chúng tôi, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên đảm nhiệm 3 trong 5 bước trên. Đó là ra lời kêu gọi, hiệu triệu toàn dân đoàn kết, rồi tập hợp nguồn lực. Giai đoạn 2 là kiểm tra giám sát. Đây cũng là chức năng được quy định trong luật Mặt trận Tổ quốc. Nếu kiểm tra giám sát tốt thì chắc chắn sẽ không có những vấn đề phát sinh như thời gian vừa qua cũng như vụ việc với cá nhân Hoài Linh mà dư luận nhắc đến. Giai đoạn 3 mà Mặt trận Tổ quốc cũng nên làm là tôn vinh, khen thưởng. Còn hai giai đoạn, gồm tiếp nhận tiền, hàng và triển khai nguồn lực thì nên giao cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - tổ chức chuyên nghiệp, có hệ thống không chỉ trong nước mà quốc tế. Tất cả quy trình trong quá trình triển khai của mình thì đều theo các quy định và quy trình chuẩn thì chắc chắn sẽ tránh được sự chồng chéo, trùng lặp. Thực hiện như vậy cũng sẽ làm cho hoạt động nhân đạo, từ thiện minh bạch, hiệu quả hơn vì được kiểm tra, giám sát.
Phóng viên: Trong khi chưa có những quy định, quy chuẩn, theo ông, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân nên tìm đến những tổ chức, đơn vị nào để đảm bảo số tiền hỗ trợ từ thiện của mình sẽ được trao đúng người, đúng đối tượng và đúng thời điểm và được sử dụng hiệu quả nhất?
TS Hùng: Nhưng chúng tôi đã nói ở trên, theo Nghị định 64 thì có 4 đối tượng được tổ chức các hoạt động vận động quyên góp và triển khai, trong đó đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Chúng tôi là tổ chức chuyên nghiệp, có mạng lưới 4 cấp, từ trung ương tới tại xã phường. Ngoài ra chúng tôi còn có cả hệ thống của phong trào Chữ thập đỏ Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế hỗ trợ về phương tiện, kỹ thuật, tài liệu về các mô hình đã được triển khai ở rất nhiều nước khác nhau và áp dụng nhiều năm nay ở trong nước. Chúng tôi triển khai các hoạt động này theo quy trình chuẩn, từ đánh giá thiệt hại, nhu cầu, rồi trên cơ sở nhu cầu của người dân, chúng tôi tổ chức các hoạt động bình xét từ dưới cộng đồng với sự tham gia của các ban, ngành, sự giám sát của chính quyền địa phương. Chúng tôi còn niêm yết công khai ở những nơi công cộng…Điều này làm cho những hoạt động ứng phó khẩn cấp được tiến hành nhanh, kịp thời, công khai, minh bạch và hiệu quả và với những nguồn lực lớn thì có tính bền vững.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Nho Trung thực hiện

https://vov2.vov.vn/index.php/doi-song-xa-hoi/gui-tu-thien-vao-dau-de-den-dung-doi-tuong-dung-thoi-diem-26338.vov2?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=1303&fbclid=IwAR1nwqnp6Vgmfc0wNq4hlQNT6hjY6p2yXzIqLFJxSgy_fYItRxspZfar-4E