Giữ tâm sáng của người làm báo, vì một nền báo chí chính trực nhân văn

Nguyễn Hồng Hạnh
Xây dựng nền báo chí nhân văn, nội dung này luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân quan tâm hàng đầu, ngay trong bài viết gần đây nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Báo chí phải góp phần cho nhiệm vụ cao cả đó.

Xây dựng nền báo chí chính trực, nhân văn

Tính nhân văn của báo chí chính là đề cao, quý trọng, ca ngợi và bảo vệ những giá trị văn hóa chung của cộng đồng, vì lợi ích chính đáng và cuộc sống của con người, của cộng đồng. Tính nhân văn phải được hiểu là báo chí tôn trọng, bảo vệ và truyền bá những giá trị văn hóa chung nhất của nhân loại. Tính nhân văn được coi là cốt lõi của đạo đức nghề báo, một nghề mà chỉ một câu, một chữ, một hình ảnh trong những thời điểm đặc biệt có thể làm thay đổi nhận thức, thái độ ứng xử, lay động con tim và dẫn dắt hành động của hàng triệu, triệu người.

lam-bao1-1655784883.jpg

Tính nhân văn của báo chí là hệ giá trị vừa rất trừu tượng, vừa rất cụ thể thông qua các sự kiện, vấn đề thời sự hằng ngày, thể hiện nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử của con người. Trong báo chí, truyền thông, đó là thái độ tiếp cận, đánh giá các sự kiện và vấn đề trong cuộc sống hằng ngày liên quan đến cộng đồng cũng như số phận con người; đó là quan điểm, thái độ và những nỗ lực không mệt mỏi trong cuộc đấu tranh vì quyền con người, quyền công dân, dân chủ, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội.

Cho dù dưới định chế của pháp luật hay của quy định đạo đức nghề nghiệp thì báo chí luôn phải hướng đến giá trị nhân văn, vì con người và tôn trọng con người. Tự do báo chí, tự do ngôn luận nhằm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, giám sát xã hội và tăng cường niềm tin vào hệ thống chính trị, góp phần xây dựng hệ giá trị, hướng tới chân, thiện, mỹ. Báo chí của chúng ta đang đứng trước những thử thách mới rất gay gắt. Giữ gìn phẩm giá, lòng tự trọng nghề nghiệp là một thử thách và người làm báo cần xem như nguyên tắc bắt buộc.

Trong “cơn bão” của thời đại số, báo chí có thể tạo ra sự khác biệt bằng sự năng động, thông thái, trí tuệ. Báo chí chân chính vẫn luôn có cơ hội và sức hấp dẫn vì độc giả đã quá mệt mỏi với những thông tin hỗn loạn, xô bồ. Những thông tin trí tuệ, thông thái vẫn là nhu cầu cơ bản vượt lên những thông tin giật gân, câu khách. Hiện nay, nhiều nhà báo vẫn kiên định với hướng đi này và tin rằng độc giả sẽ không quay lưng với những cố gắng của chúng ta. Thời cuộc càng biến động, xã hội hiện đại càng chịu nhiều áp lực trong thời đại thông tin kỹ thuật số thì tính chính trực và nhân văn của báo chí càng cần được đề cao. Đó là lúc báo chí vừa phục vụ công cuộc phát triển đất nước vừa bảo vệ bình yên xã hội, bình yên dưới những nếp nhà, bình yên trong lòng người.

Giữ tâm sáng của người làm báo

Báo chí Cách mạng Việt Nam, hằng ngày đã phản ánh sự đa dạng, phong phú muôn màu, muôn vẻ các giá trị văn hóa của các cộng đồng dân tộc Việt Nam. Mong muốn và mục tiêu của báo chí chúng ta là góp phần để người dân được sống trong yên bình, hạnh phúc, “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đó là mục tiêu nhân văn cao cả của cả dân tộc, trong đó có báo chí, truyền thông. Để thực hiện được yêu cầu về nhân văn, đòi hỏi mỗi nhà báo phải tích lũy về kiến thức và kinh nghiệm; thể hiện tính nhân văn phải xuất phát từ cái tâm của nhà báo và từ những thái độ và kỹ năng trong tác nghiệp, có thái độ và hành vi chuẩn mực đối với những con người bình dị xung quanh, những con người bất hạnh có hoàn cảnh éo le, hay khi phản ánh phê bình những cá nhân sai phạm, vi phạm pháp luật, nhà báo cũng luôn phải vừa phê phán, vừa có thể chia sẻ, cảm thông, không a dua “dậu đổ bìm leo”, không “té nước theo mưa”, “đục nước béo cò”, “đánh hội đồng”.

lam-bao2-1655784868.jpg

Nhà báo luôn phải xác định nhiệm vụ chính trị của mình là góp phần bảo đảm công bằng, phát triển và tiến bộ xã hội; bảo vệ lợi ích chính đáng và đấu tranh vì hạnh phúc của đông đảo nhân dân cũng như lợi ích của đất nước. Bảo đảm tính nhân văn và gia tăng hàm lượng văn hóa trong sản phẩm báo chí, truyền thông là mục tiêu không ngừng nghỉ đối với báo chí cách mạng và với mỗi nhà báo chân chính. Nhà báo chân chính với tinh thần trách nhiệm trước xã hội, trước nhân dân biết hòa mình trong niềm vui, nỗi lo lắng trước khó khăn của đất nước, đồng thời luôn luôn tìm thấy trong thực tiễn sinh động của sự nghiệp vinh quang xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nguồn đề tài vô tận, chất liệu mới phong phú để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí có chất lượng, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển ngày càng tốt đẹp hơn. Trong việc phê phán cái xấu, cái sai, cái lạc hậu cũng phải góp phần mang tới công chúng niềm tin ở sự thật, sự nghiêm minh của pháp luật, tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, vào những truyền thống tốt đẹp, những giá trị nhân văn của dân tộc ta. Nếu người làm báo thiếu hoặc ý thức trách nhiệm xã hội không cao thì khó có thể viết được những tác phẩm tốt có giá trị đi vào đời sống xã hội.

Đức Thành