Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động báo chí hiện nay vẫn còn tồn tại những khoảng tối như: Thông tin sai sự thật hoặc méo mó, thương mại hóa báo chí và khủng hoảng đạo đức báo chí. Đây đó, có những phóng viên bị xử phạt vì vi phạm đạo đức báo chí, vi phạm pháp luật khi tác nghiệp.
Trước thực trạng này, ngày 15/6, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức tọa đàm “Văn hóa nhà báo-chiến sỹ” để làm rõ vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, đạo đức đối với cơ quan báo chí/người làm báo nói chung và Báo Quân đội nhân dân nói riêng.
Thông qua 10 tham luận, tọa đàm góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên Liên chi hội nhà báo Quân đội nhân dân về những giá trị cơ bản của văn hóa nhà báo, chiến sỹ. Từ đó, các phóng viên có thể xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng, bồi đắp, phát triển những giá trị tốt đẹp của văn hóa nhà báo chiến sỹ, góp phần định vị và lan tỏa thương hiệu nhà báo chiến sỹ trong đội ngũ những người làm báo Quân đội nhân dân.
Các diễn giả cũng đưa ra tiêu chí văn hóa của nhà báo chiến sỹ đồng thời đề xuất giải pháp nhằm góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu của nhà báo chiến sỹ Quân đội nhân dân trong đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam.
Đại tá Lê Ngọc Long phát biểu tại tọa đàm.(Ảnh: CTV/Vietnam+)
Theo Đại tá Lê Ngọc Long, Phó Tổng biên tập, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Báo Quân đội nhân dân, văn hóa là cái còn lại cuối cùng khi tất cả những cái khác đã mất đi.
“Giữ gìn văn hóa, tu dưỡng đạo đức nhà báo chiến sỹ là giữ gìn và nuôi dưỡng sức mạnh nội sinh để Báo Quân đội nhân dân ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, xứng đáng với vị thế là một trong những tờ báo chính trị hàng đầu của đất nước, là một trong 6 cơ quan báo chí phát triển theo mô hình đa phương tiện, định hướng dư luận theo quy hoạch hệ thống báo chí của Chính phủ,” Đại tá Lê Ngọc Long khẳng định.
Thông qua buổi tọa đàm này, Ban chấp hành Liên chi hội cũng kêu gọi mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, chiến sỹ ra sức học tập, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của Báo Quân đội nhân dân đã hun đúc, chắt lọc bằng máu, nước mắt và công sức của nhiều thế hệ người làm báo Quân đội nhân dân trong suốt gần 80 năm qua.
Chia sẻ quan điểm, Trung tá Bùi Thị Thảo, đại diện Chi hội Phòng biên tập Thời sự quốc tế cho rằng văn hóa của nhà báo chiến sỹ không chỉ thể hiện ở phạm trù đạo đức, mà còn là bản lĩnh chính trị vững vàng; tầm nhìn chiến lược; kiến thức lý luận, kiến thức nền và kiến thức thực tế sâu rộng; nghiệp vụ tinh thông; trách nhiệm, nhiệt tình, chắc tay nghề, sâu sát thực tế; và trên hết, là nhân cách con người.
“Trong kỷ nguyên công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, nhà báo chiến sỹ còn cần rèn luyện khả năng học hỏi và áp dụng công nghệ để có thể tác nghiệp trên nhiều nền tảng công nghệ; có bản lĩnh và tri thức, rèn luyện khả năng nhạy bén chính trị để tỉnh táo trước những bẫy tin giả, gạn lọc những thông tin chính xác, kịp thời đưa đến cho độc giả,” nhà báo Bùi Thị Thảo chia sẻ.
Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Phân tích vấn đề, Thượng tá Mè Quang Thắng, đại diện Chi hội Phòng Công tác Đảng, công tác Chính trị cho rằng mỗi cán bộ, hội viên phải tự đặt ra câu hỏi và tự trả lời, làm gì, làm thế nào để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, để luôn thấy vinh dự và tự hào được công tác ở Báo Quân đội nhân dân, tờ báo do Bác Hồ đặt tên.
“Chúng ta phải làm gì để không hổ thẹn với thế hệ đi trước, không hổ thẹn với 9 cán bộ, phóng viên của báo đã hy sinh anh dũng khi đang tác nghiệp ngoài mặt trận, cùng nhiều cán bộ, phóng viên bị thương và chịu hậu quả của chất độc hóa học trong chiến tranh. Sự nỗ lực vượt khó, quyết tâm của từng người, chính là yếu tốt quyết định làm sâu sắc hơn tiêu chí văn hóa và đạo đức người làm báo Quân đội nhân dân,” Thượng tá Mè Quang Thắng bày tỏ./.
Minh Thu (Vietnam+)