Mọi người ví bà Bùi Thị Hồng, Đội trưởng Đội tình nguyện viên CTĐ Phổ Hiền TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang như “bà tiên” cũng chẳng sai, bởi nơi nào có số phận bất hạnh là bà lại tìm đến giúp đỡ. Từ những đứa trẻ mồ côi, tàn tật, người già cô đơn không nơi nương tựa đến những bệnh nhân nghèo đều được bà quan tâm, giúp đỡ.
Mối tình “chú lính chì” và cô mậu dịch viên
Gương mặt nhân hậu, đôi mắt hiền từ, bà Hồng khẽ mỉm cười khi nhớ lại những chuyện xa xưa. Ngày ấy mới bước sang tuổi đôi mươi, sau khi học xong lớp mậu dịch viên do Sở Thương nghiệp Tuyên Quang tổ chức, cô gái trẻ Bùi Thị Hồng về nhận công tác tại Cửa hàng bách hóa thị xã Tuyên Quang. Chính nơi đây đã chắp cánh cho một câu chuyện tình đẹp như trong chuyện cổ tích.
Người ta bảo, mậu dịch viên thời bao cấp được trọng dụng và có quyền thế lắm. Bán cho ai trước, ai sau, bán đúng cân hay thiếu cân, hàng ngon hay “đầu thừa đuôi thẹo” đều thuộc quyền của mấy cô mậu dịch. Biết thế, nhưng chẳng bao giờ Hồng tỏ vẻ “chảnh chọe”. Cô luôn đối xử khéo léo, nhã nhặn với khách hàng. Người già, ốm yếu cô linh động bán trước, giải quyết chế độ tem phiếu đầy đủ, không cân điêu, bán thiếu cho ai bao giờ. Nhờ sự tận tình, hăng hái trong công việc, hai năm sau Hồng được bầu làm Quầy trưởng “Quầy hàng thanh niên làm theo lời Bác”. Vẻ mặt hiền lành điềm đạm cộng thêm duyên ăn nói, cô chiếm được cảm tình của bao chàng trai. Có người làm bác sĩ, người là công an, giáo viên nhưng đều bị Hồng từ chối bởi từ lâu trái tim cô đã trót trao cho anh chàng thương binh Nguyễn Hồng Thái. Hình ảnh anh bộ đội chống nạng xếp hàng từ sáng nhưng vẫn sẵn sàng nhường lượt cho cụ già đã khiến cô quầy hàng trưởng cảm phục. Tình yêu bắt đầu từ cái nhìn trìu mến, ấm áp ấy… Và rồi, Hồng quyết định đến với Thái mặc cho những lời ngăn cản của bạn bè, đồng nghiệp. Câu chuyện tình cảm động giữa cô nàng mậu dịch viên xinh đẹp và “chú lính chì” Nguyễn Hồng Thái tựa như một nốt nhạc trong trẻo, ngân vang giữa bộn bề cuộc sống thời bao cấp.
Thời gian thấm thoắt trôi. Mái ấm gia đình của đôi uyên ương ngày nào tràn ngập hạnh phúc với hai đứa con ngoan ngoãn, thành đạt. Vừa chăm lo chồng con vừa đảm đương việc Nhà nước, nhưng bà Hồng vẫn thường xuyên tham gia vào các hoạt động từ thiện của Hội Phật giáo Việt Nam. Năm 1991, bà đứng ra thành lập Tổ Phật giáo Phổ Hiền Tuyên Quang. Bà Hồng cho biết, Tổ phật giáo thành tâm theo Phật pháp bài trừ mê tín dị đoan, làm cho con người hướng thiện, tu tâm tích đức giúp đỡ người nghèo khó. Bắt nguồn từ ý nghĩa nhân văn đó, cái tên Đội tình nguyện viên Chữ thập đỏ Phổ Hiền thành phố Tuyên Quang ra đời. Ban đầu chỉ có 9 người, đến nay đã thu hút được hơn 500 hội viên. Bà cùng các hội viên thường xuyên tổ chức thăm hỏi tặng quà gia đình chính sách, người nghèo, người già neo đơn, nhận đỡ đầu hàng chục cháu nhỏ mồ côi, tàn tật.
Hương vị cuộc đời
Con đường bê tông trải dài, đưa chúng tôi đến thăm gia đình em Nguyễn Thu Hương, tổ 26, phường Minh Xuân (TP.Tuyên Quang). Được biết, cách đây gần 5 năm, Hương là một nữ sinh xinh xắn, học giỏi của Trường THPT Tân Trào. Thế nhưng, căn bệnh ung thư xương đã buộc em phải chấp nhận cưa cụt một bên chân. Cú sốc đầu đời đã khiến Hương gục ngã ước mơ trở thành cô giáo. Mong ước mỗi sáng được bước lên bục giảng như tan biến. Không những thế, tai họa vẫn tiếp tục giáng xuống gia đình của em. Mẹ Hương bị suy thận giai đoạn cuối và buộc phải chạy thận mỗi tuần. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, đôi chân khập khiễng của em phải gượng đứng lên chống đỡ bão giông cuộc đời. Hương bảo, những lúc ấy thấy chán nản vô cùng, kinh tế gia đình khó khăn vất vả, tinh thần thì suy sụp. Dường như bà Hồng hiểu rõ được điều đó, bà đã thường xuyên ở bên cạnh cô bé bất hạnh này để động viên, chia sẻ: “Con cố lên! Có mẹ và mọi người bên cạnh con rồi”. Những lúc ấy, Hương gục lên vai bà mà khóc nức nở, nghe những câu nói nhẹ nhàng ấm áp, em lại tự tin và vững tâm hơn để tiếp tục sống. Vượt qua được nỗi mặc cảm, Hương lại tiếp tục hành trình đến trường. Hiện nay Hương sắp hoàn thành chương trình học Khoa Kế toán của Trường Cao Đẳng Thái Nguyên.
Đội tình nguyện viên CTĐ Phổ Hiền thành phố Tuyên Quang hiện nhận đỡ đầu gần chục trường hợp, trong đó có Hương. Vừa kịp thời động viên về tinh thần, Đội hỗ trợ mỗi trường hợp 400 nghìn đồng/quý. Chị Nguyễn Thị Tuyết, xóm 9 xã Trung Môn (Yên Sơn) chia sẻ: “Con trai tôi bị bại liệt bẩm sinh, suốt 8 năm qua. Bà Hồng và các thành viên trong Đội thường xuyên đến quan tâm và chia sẻ với gia đình. Đó là liều thuốc quý giúp cháu vượt qua mọi khó khăn, mặc cảm trong cuộc sống”.
Từ mấy chục năm qua, người dân Tuyên Quang khá quen thuộc với mô hình “Nồi cháo tình thương” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Hương Sen, Bệnh viện Đa khoa Yên Sơn, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. Đây chính là nghĩa cử cao đẹp mà người phụ nữ này cùng với các thành viên trong Đội dành tặng cho những người bệnh. Bà Hồng nhớ lại, ngày ấy khi vào bệnh viện thăm người nhà, có một bệnh nhân nữ ở Đà Vị (Nà Hang) hai ngày chưa được hạt cơm nào vào bụng. Vì không có bảo hiểm y tế nên bao nhiêu tiền đều dồn hết cả vào việc mua thuốc men. Thương cảm, bà vội đi mua một suất cơm mang về cho cô gái. Nhìn cô gái ăn vội mà lòng bà nghẹn đắng… Vậy là ý tưởng nấu nồi cháo giúp đỡ bệnh nhân nghèo bắt đầu từ đó. Sau khi bàn bạc và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các thành viên trong Đội, đích thân bà Hồng đến bệnh viện liên hệ.
Để có tiền nấu cháo, mỗi người tự nguyện đóng góp 5.000đ/tháng. Đội phân ra một bộ phận chuyên trách nấu cháo gồm 30 thành viên là những bà, những chị có tay nghề nấu ăn đảm nhiệm. Bà Hồng tâm sự: “Hạnh phúc được nhân lên khi nhìn thấy nồi cháo cứ vơi dần… Nụ cười vui vẻ của người bệnh nhận được bát cháo tình nghĩa là động lực để chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình làm việc thiện. Trong thời gian tới Đội sẽ cố gắng nấu thêm một “bữa cơm tình thương” phục vụ bệnh nhân nghèo”.
Ngày hôm nay, Đội tình nguyện viên CTĐ Phổ Hiền được biết đến với những hoạt động từ thiện sôi nổi và có quy mô. Vừa đứng ra huy động từ sự ủng hộ của các thành viên, bà Hồng vừa đích thân vận động cá nhân hảo tâm, đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn. Trong năm qua, số tiền ủng hộ gần 100 triệu đã được chuyển đến những mảnh đời bất hạnh, éo le trong cuộc sống.
Tôi hỏi bà: “Bà giúp đỡ mọi người một cách thật vô tư như thế có bao giờ cảm thấy mình chịu thiệt nhiều quá?”. Bà vui vẻ nói: “Cho đi nghĩa là được nhận”. Câu nói tưởng như đơn giản nhưng đó là cả một triết lý sống cao đẹp. Cái bà nhận được là tình người, tình đời ấm áp…