Môn Lịch sử bậc THPT sẽ có 52 tiết bắt buộc/năm. Nhiều giáo viên cho rằng, dù Lịch sử là môn học bắt buộc hay tự chọn, điều quan trọng nhất là giáo viên cần thay đổi để môn học này trở nên hấp dẫn, thu hút học sinh.
Điều chỉnh nội dung "hoàn toàn khả thi"
Trước những băn khoăn, lo lắng của dư luận xã hội khi năm học mới sắp bắt đầu, chương trình và SGK cũng đã hoàn tất, giờ đây chỉnh sửa lại môn Lịch sử, liệu có kịp thời gian?, cô Trương Thị Thu – Tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, việc điều chỉnh nội dung chương trình và SGK môn Lịch sử lớp 10 trong thời gian tới hoàn toàn khả thi.
Cụ thể, chương trình từ 70 tiết học chủ đề cốt lõi giảm xuống còn 52 tiết dạy, sẽ phải cắt giảm 18 tiết và những nội dung thuộc phạm vi kiến thức liên quan đến hướng nghiệp, những nội dung khó mang tính hàn lâm sẽ được cắt giảm.
Như vậy, mục tiêu cần đạt cũng giảm nhẹ, không yêu cầu học sinh đáp ứng các năng lực mang tính chuyên sâu, chỉ cần đạt được những mục tiêu cơ bản để đảm bảo tính vừa sức phù hợp giáo dục đại trà.
"Các Nhà xuất bản hoàn toàn có thể điều chỉnh cắt giảm những nội dung như đã nêu ở trên trong SGK Lịch sử (quyển 1 – Chủ đề cốt lõi) mà không ảnh hưởng đến cấu trúc, tính hệ thống, liên thông của trương trình tổng thể. Riêng phần tự chọn (quyển 2 – Chuyên đề nâng cao) dành cho học sinh chọn những nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực Lịch sử vẫn được giữ nguyên" - cô Thu đề xuất.
Giáo viên cần thay đổi
Cô Lưu Thị Phương Loan - giáo viên Lịch sử Trường THPT Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) bày tỏ vui mừng khi chương trình Lịch sử bậc THPT được điều chỉnh lại theo hướng vừa có phần bắt buộc, vừa có phần lựa chọn. Bởi theo cô, đây là môn học đặc biệt quan trọng, có vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ.
“Lịch sử góp phần quan trọng hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại" - cô Loan nêu quan điểm.
Nhận định cấu trúc biên soạn chương trình môn Lịch sử mới sẽ là kết hợp giữa tuyến tính và đồng tâm thay vì chỉ có đồng tâm như trước, cô Loan khẳng định, sẽ không có việc trùng lặp với kiến thức ở bậc THCS như một số ý kiến lo ngại.
"Môn Lịch sử trong thời gian tới sẽ có sự kết nối với khoa học và các ngành nghề khác, mang tính ứng dụng và liên hệ cao. Bên cạnh việc củng cố và nâng cao kiến thức ở THCS, chương trình THPT được xây dựng theo các chủ đề định hướng ứng dụng, định hướng nghề nghiệp” - cô Phương Loan cho hay.
Dù vui mừng, nhưng giáo viên này không khỏi băn khoăn, trăn trở khi môn Lịch sử chưa phải là môn học thu hút các em học sinh. Bằng chứng là trong các kì thi, đặc biệt là kì thi THPT, Lịch sử nằm trong nhóm môn học có điểm trung bình thấp.
Trong khi thực tế, học sinh không ghét học lịch sử dân tộc, các em rất hứng thú với các câu chuyện lịch sử, đôi khi cũng ghi nhớ rất kĩ các mốc thời gian.
"Học sinh trong thời đại ngày nay giống như những giám khảo khó tính, đặc biệt với môn Lịch sử, giáo viên càng phải khéo léo hơn, chỉn chu hơn mới có thể truyền tải kiến thức và thông điệp tới các em” - cô Phương Loan nhấn mạnh.
Cùng quan điểm nêu trên, cô Thu cũng bày tỏ, khi môn Lịch sử trở thành bắt buộc trong nhà trường cũng có nghĩa là các thầy cô giáo giảng dạy môn Lịch sử sẽ gánh trên vai mình niềm tự hào và trọng trách lớn lao.
"Việc đổi mới tư duy sáng tạo và phương pháp dạy học truyền cảm hứng sẽ là điều quyết định để môn học này thực hiện được sứ mệnh quan trọng của nó" - cô Trương Thu nói.