Mục tiêu giảm tỷ lệ thương vong và tử vong do TNGT xuống 50% vào năm 2030

Nguyễn Thị Hải Hà
Việt Nam đã và đang cam kết mạnh mẽ trong việc chung tay cùng cộng đồng thế giới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, với nỗ lực thực hiện các giải pháp giảm thiểu những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, hướng đến mục tiêu toàn cầu vào năm 2030 giảm tỷ lệ thương vong và tử vong do TNGT xuống 50%, trong đó lấy con người làm trung tâm triển khai các hoạt động thay đổi hành vi tham gia giao thông.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người tử vong do TNGT trên toàn cầu. Số nạn nhân này có nguy cơ sẽ tăng thêm 65% trong vòng 20 năm tới, chủ yếu là ở các quốc gia đang phát triển. Ở Việt Nam, TNGT đã trở thành hiểm họa đối với toàn xã hội. Các nghiên cứu cho thấy, TNGT đường bộ là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong lớn đối với những người ở độ tuổi 15 - 29, và những nạn nhân thường là người lao động chính trong gia đình.

Việt Nam đã và đang cam kết mạnh mẽ trong việc chung tay cùng cộng đồng thế giới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, với nỗ lực thực hiện các giải pháp giảm thiểu những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, hướng đến mục tiêu toàn cầu vào năm 2030 giảm tỷ lệ thương vong và tử vong do TNGT xuống 50%, trong đó lấy con người làm trung tâm triển khai các hoạt động thay đổi hành vi tham gia giao thông.

tn-1653985378.jpg

Ảnh minh họa

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG) thống kê, tại Việt Nam trong những năm gần đây, có tới 70% số vụ va chạm giao thông đường bộ liên quan tới nhân tố con người và 40% số vụ va chạm giao thông đường bộ do hành vi có nguy cơ cao dẫn tới mất ATGT hoặc hậu quả lớn như vi phạm về tốc độ, sử dụng ma túy, sử dụng rượu bia, sử dụng điện thoại hoặc không sử dụng các thiết bị an toàn (dây an toàn và thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô và mũ bảo hiểm với người đi mô tô xe máy)... Thực tế này cho thấy, cần có những giải pháp toàn diện quản lý các yếu tố có nguy cơ cao gây mất ATGT đường bộ hiện nay.

Theo TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGTQG chia sẻ tại hội thảo “Các giải pháp trọng tâm nâng cao ATGT đường bộ tại Việt Nam” trên cơ sở các bằng chứng khoa học và thực tiễn, báo cáo ATGT thường niên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 5 yếu tố cơ bản trực tiếp dẫn đến va chạm giao thông, gây TNGT gồm: Vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, không thắt dây an toàn và sử dụng điện thoại di động khi lái xe.

Phân tích 5 yếu tố này, các chuyên gia giao thông chia sẻ, theo thống kê chính thức của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), tỷ lệ các vi phạm về trật tự ATGT liên quan tới vi phạm nồng độ cồn tại Việt Nam hiện xấp xỉ 5% số vụ. Khảo sát tại các nhà hàng, quán bia cho thấy có tới 90% số người trưởng thành sau khi ra về vẫn trực tiếp lái xe.

Đối với vi phạm về tốc độ chạy xe, mặc dù đạt được nhiều kết quả về kiểm soát tốc độ phương tiện cơ giới đường bộ, tuy nhiên công tác quản lý tốc độ giao thông tại Việt Nam đang còn một số bất cập.

Liên quan đến quy định đội mũ bảo hiểm cho người đi xe gắn máy, bên cạnh những cố gắng và kết quả lớn từ chính sách bắt buộc đội mũ bảo hiểm, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như: Tỷ lệ đội mũ bảo hiểm của trẻ em trên 6 tuổi ngồi trên mô tô, xe gắn máy còn thấp.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, thu nhập người dân và số lượng phương tiện cơ giới tăng nhanh đang tạo nên áp lực lớn trong bảo đảm trật tự ATGT. Tuy vậy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng ủng hộ của người dân trong việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hạn chế TNGT, đã giảm rõ rệt. Kết quả này khẳng định các giải pháp Việt Nam đang thực hiện phù hợp với thực tiễn và đang phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên tình hình trật tự ATGT hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ, số người chết và bị thương vì va chạm giao thông vẫn còn ở mức cao, đòi hỏi cần tiếp tục có những giải pháp mạnh và hiệu quả hơn để kéo giảm số vụ va chạm giao thông.

Ủy ban ATGTQG và Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á (Quỹ AIP) khuyến nghị, đối với hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần sớm bổ sung các quy định xử phạt phù hợp, tương ứng với các mức vi phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng kể cả khi chủ thể chưa gây hậu quả theo điều 260 Bộ Luật hình sự, kết hợp với các gia pháp khác như quản lý tái phạm và duy trì cưỡng chế thực thi ngay cả khi hành vi này được kéo giảm.

"Việc thực hiện những giải pháp trên không đòi hỏi chi phí lớn, nhưng đem lại hiệu quả cao, có thể giúp kéo giảm hàng nghìn người thiệt mạng do va chạm giao thông/năm tại Việt Nam, góp phần đắc lực trong việc thực hiện thành công mục tiêu kéo giảm các va chạm giao thông trong các nghị quyết về ATGT đường bộ mà Việt Nam đã cam kết thực hiện", ông Trần Hữu Minh nhận định.

PV