Với đồng lương công nhân chỉ khoảng hơn 5 triệu đồng, trừ đi chi phí ăn ở, rồi tiền gửi về lo cho gia đình và đứa con trai nhỏ ăn học ở Hòa Bình, hàng tháng anh H. Châu (Bình Tân, TP.HCM) không để ra được bao nhiêu.
"Có được tăng lương mỗi năm thật nhưng vé máy bay về quê ăn Tết năm sau cũng lại cao hơn năm trước. Mỗi lần gần Tết tìm vé máy bay về quê lại xót ruột, đành bấm bụng để dành hai năm về một lần", anh Châu cười chua xót.
Những cuộc đoàn tụ và rào cản giá vé máy bay
Cùng anh mở trang bán vé của một hãng bay lớn, phần nào hiểu được điều đang ngăn anh về ăn Tết với con nhỏ cách xa gần 2.000 km. Một tấm vé khứ hồi phù hợp với lịch nghỉ Tết 2019 của anh có giá tới hơn 6,8 triệu đồng.
"Chú bảo công nhân như anh một năm làm ăn nuôi con rồi kiếm đâu ra gần 7 triệu đồng để về quê ăn Tết hàng năm. Mà có 7 triệu đồng đi chăng nữa anh cũng không dám mua vé vì xót của. Vé rẻ hơn thì còn dám bỏ tiền bay ra Bắc ăn Tết", anh Châu nói.
"Cứ nghĩ vào đây rồi chăm chỉ làm ăn, thu nhập tốt thì Tết là có tiền bay về thăm con. Tuy nhiên đời chẳng ai biết trước, sau đợt bệnh nặng sức khỏe không được như xưa nên không làm cố được", người công nhân 36 tuổi ngậm ngùi.
Theo số liệu thống kê từ nhiều đơn vị , TP.HCM hiện có khoảng 350.000-400.000 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Trong đó 70% là người ngoại tỉnh và có không ít người đến từ các tỉnh thành phía Bắc như anh Châu, những người còn cách cuộc đoàn viên gia đình Tết Nguyên Đán một tấm vé máy bay.
Tuy nhiên, giá vé máy bay lại chưa bao giờ đứng về phía họ. Theo khảo sát của Zing.vn qua nhiều năm, giá vé máy bay Tết đang có xu hướng tăng ngày càng nhanh và mạnh hơn.
Cuối năm 2015, nếu đặt một vé khứ hồi dịp cao điểm Tết 2016 từ TP.HCM đi Hà Nội thì hành khách phải chi trả khoảng 5,4 triệu đồng đã tính cả thuế phí. Con số này vào thời điểm hiện tại cho một vé khứ hồi rẻ nhất dịp cao điểm Tết 2019 là hơn 6,8 triệu đồng.
Dù lương tối thiểu vùng 1 những năm vừa qua đã liên tục được cải thiện, từ mức 3,1 triệu đồng vào năm 2015, lên 3,5 triệu đồng vào 2016, rồi 3,75 triệu đồng năm 2017 và gần nhất lên mức 3,98 triệu đồng vào năm 2018, việc mua chiếc vé máy bay để ra Bắc ăn Tết vẫn là xa vời với nhiều công nhân. Khoảng cách giữa thu nhập và vé luôn là gần 2 tháng lương tối thiểu mua một vé khứ hồi.
Điều này đồng nghĩa một công nhân hưởng lương tối thiểu tại TP.HCM sẽ mất 2 tháng không ăn uống, không thuê nhà, không chi tiêu một đồng nào cho các nhu cầu tối thiểu để có ghế trên một chuyến bay hồi hương dịp Tết Nguyên Đán.
Gần nhà anh Châu tại Hòa Bình là bà T. Luyến, người đang có khả năng phải ăn cái Tết thứ 2 không có con cháu quây quần. Con bà là bạn của anh Châu, theo nhiều thanh niên khác trong vùng vào TP.HCM lập nghiệp và giờ đã có vợ và hai con.
"Nó bảo vé đắt quá, chắc Tết năm nay không về được. Tôi nhớ con nhớ cháu nhưng hơn hai chục triệu đồng tiền vé máy bay thì làm sao nó lo được, cháu nhỏ thì còn đang tuổi tốn tiền", bà Luyến xúc động.
"Nó hẹn năm sau, tôi với bố nó cũng đành chờ, Tết này hai ông bà già lại nương vào nhau thôi. Cũng tại con nó đi làm xa quá, như con người ta làm gần thì cũng không đắt đỏ như thế.", bà Luyến nói.
Theo tính toán, với những người lao động có mức thu nhập như anh Châu, mỗi tháng ngoài các khoản chi tiêu cá nhân và gửi về nuôi gia đình, anh cần tiết kiệm khoảng 10% thu nhập trong suốt cả năm để có thể mua vé máy bay Tết.
Đây là con số bất khả thi. Theo báo cáo của Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM năm 2018, lấy số liệu từ khoảng hơn 30.000 lao động thuộc 11 doanh nghiệp FDI tại Khu công nghiệp Linh Trung I, các hộ gia đình sinh 1 con, thu nhập của 2 vợ chồng đủ tạm trang trải cuộc sống, số tiền dành dụm được ít, chỉ mức 300.000 đồng/tháng và thậm chí có tới 9,1% lao động không có tích lũy, 3,1% gặp khó khăn, thiếu thốn chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Trong khi đó, phương án thay thế cho máy bay chỉ có những chuyến tàu Tết ròng rã kéo dài 31 giờ đồng hồ với những toa tàu chen chúc, ngột ngạt hoặc những chuyến xe khách đường dài 37 giờ đồng hồ chưa tính tắc đường hay chờ xe. Tính ra chỉ riêng việc đi về hai chiều Bắc Nam đã ngốn gần 4 ngày nghỉ, nên máy bay trở thành lựa chọn duy nhất khả dĩ cho chuyến hồi hương ăn Tết, nếu muốn đảm bảo công việc.
Năm 2018 theo ước tính của Zing.vn đã có hơn 1 triệu người lao động ngoại tỉnh kẹt lại TP.HCM dịp Tết Nguyên Đán và với việc giá vé máy bay tiếp tục tăng cao, con số này chắc chắn sẽ không giảm đi mà khả năng sẽ còn tăng cao.
Lao động tại Trung Quốc đang gặp bài toán tương tự
China Highlights nhận định thực tế đáng buồn tại quốc gia tỷ dân là đại đa số người lao động và sinh viên không thể chi trả cho một tấm vé khứ hồi về quê đoàn tụ gia đình trong dịp năm mới Âm lịch dù đây là dịp hồi hương lớn nhất trong năm của người Trung Quốc.
Ước tính có khoảng gần 3 tỷ chuyến đi đã được thực hiện qua các phương tiện giao thông công cộng tại Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 1/2 tới 12/3, một cuộc di dân thường niên khổng lồ vẫn thường được biết đến với tên Xuân Vận.
Kinh tế bùng nổ đồng nghĩa sẽ càng có nhiều người lao động Trung Quốc đủ tiền cho tấm vé máy bay trở về quê dịp năm mới, và năm 2018 con số này tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên cũng theo thống kê từ giới chức Trung Quốc, cứ 10 người hành hương dịp này thì chỉ có 2 người di chuyển bằng máy bay, phương tiện có phần xa xỉ với đại đa số người lao động.
Tỷ trọng di chuyển hàng không dịp Xuân vận 2018 mà SCMP đưa ra thậm chí còn đìu hiu hơn nữa khi chỉ ở mức 1,96%.
Kể từ dịp năm mới Âm lịch 2019 sắp tới, giá vé máy bay đã được cơ quan quản lý Trung Quốc thả nổi theo cung cầu nhằm giúp thị trường hàng không nước này trở nên cởi mở hơn. Giá vé máy bay dịp năm mới Kỷ Hợi tại Trung Quốc đã tăng chóng mặt chỉ trong vài tuần mở bán, trong đó nhiều chặng bay đã tăng tới mức giá trần 25.000 Tệ (khoảng 3.940 USD) như chuyến bay từ Bắc Kinh đi thành phố Tam Á. Giấc mơ đi máy bay về quê đón năm mới của ngườ lao động Trung Quốc dường như lại xa thêm một bước.
Tại Trung Quốc, tàu cao tốc mới là phương tiện chính giúp họ trở về quê nhà bởi giá thành phù hợp cũng như tốc độ chỉ thua máy bay. Dù Trung Quốc đang sở hữu mạng lưới tàu cao tốc lớn nhất thế giới, nhu cầu vẫn là không đủ để đáp ứng nhu cầu trong dịp Xuân vận nổi tiếng.
Và với những người như anh Tian Yu, một công nhân ngành điện 41 tuổi, việc không có đủ tiền đã chi trả cho vé máy bay đã đẩy anh vào tình thế phải đưa ra lựa chọn: ở lại Bắc Kinh hay chen chân kiếm một chiếc vé tàu đắt đỏ do cầu đang vượt cung rồi dành 17 tiếng trên tàu di chuyển từ Bắc Kinh về Cát Lâm đoàn tụ gia đình, sau đó lại là 17 tiếng để trở về Bắc Kinh.
Do đó, những trường hợp người lao động ở lại các thành phố lớn thay vì hành hương đón năm mới đang ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc. Nhiều người lao động cho rằng việc không về quê sẽ tránh việc di chuyển tốn kém dịp Xuân vận và còn kiếm thêm được thu nhập nhờ khoản thưởng làm việc ngày nghỉ lễ.
Thậm chí với chị Lu Xiaomei, tiền còn không phải là yếu tố quyết định. Chị đã làm việc tại Thượng Hải 15 năm và chưa một lần về quê đón năm mới cùng gia đình.
"Tôi hoàn toàn ổn với chuyện này", người phụ nữ 53 tuổi đến từ Trùng Khánh chia sẻ với SCMP. "Phải có ai đó ở lại đây làm việc trong dịp nghỉ lễ chứ".
Công việc hàng ngày của chị Lu là dọn dẹp các khu vực công cộng tại 3 tòa chung cư ở quận Jingan. Chị không được trả thêm thù lao làm việc ngày nghỉ lễ, tuy nhiên vẫn muốn ở lại Thượng Hải hơn là về quê.
"Thứ nhất là khó mua vé tàu dịp Xuân Vận quá, thứ hai là xin nghỉ cũng khó vì những người quê gần Thượng Hải đều đã xin nghỉ hết rồi, những người ở xa như chúng tôi phải ở lại làm việc thôi", chị Lu cho hay.
Dường như hàng không và lao động thu nhập thấp sẽ rất khó gặp được nhau trong tương lai gần, nhất là mỗi dịp cao điểm như năm mới Âm lịch.