Giá lợn hơi chạm đáy cũng khó cạnh tranh với thịt nhập ngoại

Tạp Chí Nhân Đạo
Thịt lợn trong nước liên tục rớt giá từ cuối năm 2016 nhưng lượng thịt ngoại vẫn tràn ngập thị trường. Với lợi thế giá rất rẻ, trung bình chỉ 27.000 đồng/kg đang khiến người chăn nuôi trong nước điêu đứng.

27.000đ/kg thịt ngoại 

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 3/2017, cả nước nhập gần 7.800 tấn thịt heo các loại, trị giá hơn 9,4 triệu USD, tăng gần 16% về lượng và 21,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi kg thịt heo nhập về chỉ có giá là 27.000đ. Trong các loại thịt lợn nhập về, thịt tươi, ướp lạnh chiếm gần 2.400 tấn, trị giá 4,5 triệu USD (42.700đ/kg). Các loại phụ phẩm thịt sau giết mổ của lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh nhập nhiều nhất với 5.400 tấn, trị giá 4,8 triệu USD (20.300đ/kg).

gia-lon-hoi-cham-day-cung-kho-canh-tranh-voi-thit-nhap-ngoai
Với chi phí cao, thịt lợn trong nước khó có thể cạnh tranh với thịt nhập ngoại.

Điều đáng nói là trong khi giá lợn hơi trong nước giảm xuống mức đáy, được “bán rẻ như cho”, nhưng hàng năm chúng ta vẫn nhập khẩu 30.000-40.000 tấn thịt lợn nhập ngoại các loại. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu gần 40.000 tấn thịt lợn ngoại này có là nguyên nhân khiến hàng triệu con lợn đang đến thời kỳ xuất chuồng của người chăn nuôi bị mắc kẹt không thể bán? Nhiều ý kiến còn cho rằng, lợn trong nước dư thừa hàng triệu kilogam như vậy, nhập thêm thịt lợn ngoại về, khác nào bồi thêm một đòn hiểm vào nguồn tài chính ốm o của nông dân?

Một đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng: Khi mở cửa hội nhập, thì việc hàng hóa lưu thông giữa các quốc gia là điều bình thường. Các quốc gia đều có biện pháp tự vệ bằng cách: Người nông dân bỏ cách sản xuất kiểu “tự phát”; Nhà nước xây dựng các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ chăn nuôi trong nước, kiểm soát chặt chẽ hàng nhập ngoại. Nhưng điều quan trọng là ý thức người tiêu dùng, nên thay đổi văn hóa ẩm thực, thay đổi thói quen tiêu dùng. Một thực tế chua chát là, trong khi sản phẩm của những “đại gia” trong ngành chăn nuôi như C.P, Thái Dương, Dabaco,… có quy trình công nghệ hiện đại, sản phẩm không khác gì hàng ngoại, nhưng vẫn bị mất một phân khúc thị trường bởi mang tiếng “hàng nội”, trong khi những loại thịt nhập ngoại bán trên thị trường chất lượng không hơn gì, thậm chí có nhiều hàng cận “đát” nhưng vẫn được nhiều người tiêu dùng tìm mua.

Về giá thịt lợn trong nước xuống đến đáy, nhưng vẫn không cạnh tranh được giá lợn nhập khẩu, ông Nguyễn Xuân Toàn, Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, lý giải: “Tính chi phí chăn nuôi thì thịt lợn trong nước không thể có giá cạnh tranh so với thịt lợn nhập. Thị trường chăn nuôi trong nước đang phải nhập khẩu đến 70% thức ăn chăn nuôi. Một lọ vaccine nước ngoài bán 2USD, trong nước có giá 200.000đ, nên giá thành phẩm không thể thấp hơn được nữa”.

Có đảm bảo chất lượng?

Thịt lợn nhập khẩu giá rẻ được bán chủ yếu ở các cửa hàng đông lạnh, siêu thị, chợ đầu mối và bán online trên các trang mạng xã hội với hình thức ship hàng đến tận tay người dùng. Các cửa hàng bán thịt lợn nhập cho biết, hàng nhập khẩu là đông lạnh, đảm bảo an toàn hơn, giá lại rẻ hơn. Vì vậy, thịt lợn trong nước thật khó để cạnh tranh.

Chị Trịnh Thị Mai, tiểu thương chợ đầu mối Phùng Khoang, Trung Văn (Hà Nội) cho biết, người dân mua về ăn hàng ngày thì vẫn chuộng thịt lợn tươi. Còn các quán ăn, nhà hàng họ chuyển sang mua thịt đông lạnh nhập ngoại về chế biến bán cho khách, vì thịt lợn đông lạnh rẻ hơn quá nửa so với thịt lợn tươi nên họ chọn dùng cũng không khó hiểu.

Thị trường Việt Nam chủ yếu nhập khẩu thịt lợn từ châu Âu như Đức hoặc Ba Lan. Thịt bò và các sản phẩm thịt bò, thịt gà từ Mỹ. Vấn đề quan trọng đối với các sản phẩm nhập khẩu là được bảo quản lạnh khoảng - 18 độ C, được vận chuyển liên tục từ container đến các đại lý, cửa hàng bán lẻ, rồi đến tay người tiêu dùng, những lô thịt này liệu có tránh được nguy cơ rã đông nhiều lần dưới sức nóng của vùng nhiệt đới. Theo quy định, tất cả các lô hàng thịt đông lạnh từ các nước nhập khẩu vào Việt Nam đều được lưu giữ tại khu vực cửa khẩu nhập, sau đó các cơ quan thú y cửa khẩu lấy mẫu 100% lô hàng thịt nhập khẩu để xét nghiệm các chỉ tiêu lý hóa, cảm quan, vi sinh vật gây ô nhiễm thực phẩm và gây bệnh theo quy định của Bộ Y tế, nếu kết quả xét nghiệm bảo đảm yêu cầu mới được phép làm thủ tục nhập khẩu để tiêu thụ nội địa. Nếu sản phẩm kém chất lượng, không đạt yêu cầu thì buộc phải tiêu hủy, tái xuất hoặc chuyển mục đích sử dụng.

Tuy nhiên, PGS - TS Lê Văn Năm, chuyên gia thú y chăn nuôi, băn khoăn: Từ khi kiểm dịch đến lúc nhập khẩu, lúc lưu kho, phân phối đến các cửa hàng, hàng hóa được vận chuyển trên những phương tiện nào? Có chuyên dụng hay không? Đến khi vào đến các cửa hàng, có đầy đủ các thiết bị đảm bảo hay không? Tất cả là cả một dây chuyền mà lúc nào cũng phải được kiểm dịch chứ không phải kiểm dịch mỗi đầu vào. Trong khi một số nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi cho các trang trại lợn quy mô lớn ở miền Trung tỏ ra nghi ngờ với mức giá thịt lợn nhập rẻ hơn bình thường sẽ chứa đựng nhiều nguy cơ do hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng nhận định, nên thắt chặt kiểm tra qua hải quan đối với các thực phẩm nhập khẩu. Vì thực phẩm nhập ngoại không truy xuất được nguồn gốc sẽ “đè bẹp” thực phẩm trong nước, gây thua lỗ cho doanh nghiệp cũng như người chăn nuôi sản xuất. “Nhà nước cần có những biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ về chất lượng hàng nhập khẩu, đồng thời cung cấp thông tin cho bà con để nâng cao chất lượng, đẩy mạnh năng suất. Nếu không có những biện pháp kịp thời, tình trạng này không chỉ gây những hậu quả về sụt giảm kinh tế, mà còn kéo theo nhiều vấn đề xã hội”, chuyên gia này cảnh báo.

Nhiều chuyên gia cho rằng, khó có thể ngăn cản xu hướng nhập khẩu thịt. Cuộc đua giữa các quốc gia trên thế giới không dừng lại ở việc chúng ta sản xuất được bao nhiêu thịt, sản phẩm ấy phải có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với giá thành sản xuất thấp để tạo lợi thế cạnh tranh, nhằm chiếm lĩnh thị trường. Trước hết, cần thay đổi công nghệ trong chăn nuôi, khuyến khích người dân ứng dụng khoa học công nghệ thay vì cách chăn nuôi truyền thống. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể để người chăn nuôi tuân thủ, qua đó bảo đảm đầu ra. Nhà nước cần tạo điều kiện thu hút nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất thức ăn chăn nuôi, đồng thời quy hoạch các vùng nguyên liệu nhằm thúc đẩy ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi phát triển. Khi đó, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước nói chung và sản phẩm thịt nói riêng sẽ giảm, tăng tính cạnh tranh so với mặt hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, mức xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm cũng cần được nâng lên. Đối với những hành vi cố tình trục lợi, cần xem xét nâng khung hình phạt lên mức xử lý hình sự thay vì xử phạt hành chính sẽ tăng tính răn đe.