Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, quyết định tăng giá điện vừa được ký và có hiệu lực từ 20/3. Cụ thể, giá bán điện bình quân sẽ tăng từ 1.720,65 đồng lên hơn 1.864 đồng một kWh (chưa gồm VAT).
Về tác động tới tăng trưởng, chỉ số giá tiêu dùng, Bộ Công Thương và Tổng cục Thống kê tính toán, với mức tăng giá điện 8,36% thì sẽ làm giảm 0,22% GDP, và chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng 0,29%.
Trước đó vào đầu tháng 3, Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Hoàng Quốc Vượng cho biết, nếu tính toán đầy đủ các yếu tố đầu vào thì giá điện lần này có thể tăng gần 10%. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã cân đối các yếu tố ảnh hưởng và đề xuất mức tăng là 8,36%. Việc điều chỉnh giá điện tăng 8,36% đã được tính toán để đáp ứng các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã thông qua.
Như vậy kể từ ngày 1/12/2017, sau hơn 2 năm giữ ổn định, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng. Với mức tăng 8,36%, giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1.720,65 đồng/kWh đã tăng lên gần 1.850 đồng/kWh.
Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân các năm nói chung và điều chỉnh giá điện năm 2019 nói riêng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, đảm bảo nguyên tắc giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ.