Theo Oilprice, vào lúc 5 giờ 50 phút ngày 13-7 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent “neo” ở mức 99,49 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu thô WTI của Mỹ cũng được giao dịch ở mức giảm 20 cent, tương đương 0,21%, xuống mức 95,64 USD/thùng. Giảm tới gần 8% là mức giảm sâu đầu tiên của cả dầu thô Brent và WTI trong tuần này. Tuần trước, dầu Brent đã rớt giá gần 11 USD.
Trong phiên giao dịch ngày 12-7, giá dầu thô Brent chính thức bị đẩy xuống dưới mốc 100 USD/thùng, chốt phiên ở mức 99,49 USD/thùng, giảm 7,61 USD, tương đương 7,1% - mức thấp nhất kể từ ngày 11-4. Giá dầu thô WTI của Mỹ còn chịu mức lỗ cao hơn, tới 8,25 USD, tương đương 7,9%, xuống mức 95,84 USD/thùng - mức thấp nhất trong vòng ba tháng qua.
Nguyên nhân giá dầu ngày 13/7 lao dốc mạnh chủ yếu do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu giảm trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế ngày một lớn và dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố, trung tâm thương mại, công nghiệp của Trung Quốc.
Lạm phát leo cao và chưa có dấu hiệu dừng lại cộng với khả năng lãi suất được điều chỉnh tăng mạnh thời gian tới, theo giới chuyên gia, có thể đẩy nền kinh tế Mỹ và châu Âu có thể sớm rơi vào suy thoái.
Bên cạnh đó, chỉ số Dollar Index tiếp tục tăng rất mạnh trong phiên bất chấp đã vượt đỉnh 20 năm, và có lúc chạm mức 108,5 đã gây ra lực bán mạnh trên thị trường tài chính nói chung, đặc biệt là thị trường hàng hóa, được định giá phần lớn bằng đồng bạc xanh. Dollar Index tăng cao khiến chi phí nắm giữ vị thế cũng trở nên đắt đỏ hơn.
Ngoài ra, trong báo cáo tháng 7, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA đã bắt đầu điều chỉnh giảm nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới trong năm 2022 từ 99,63 triệu thùng/ngày xuống 99,58 triệu thùng/ngày.