Gấp rút giải quyết chế độ BHXH cho người lao động mắc COVID-19

Nguyễn Thị Hương
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 210/TB-VPCP ngày 20/7/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về tình hình xử lý vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động mắc COVID-19 và phụ cấp cho cán bộ, nhân viên ngành y tế.

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; ý kiến các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động mắc COVID-19 bảo đảm chặt chẽ, không để tình trạng trục lợi, lợi dụng chính sách.

giai-quyet-che-do-tro-cap-t-1670841915.jpg
Người lao động được giải quyết chế độ BHXH Covid-19. Ảnh minh họa

Về chế độ phụ cấp cho nhân viên y tế, theo Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chi tiết chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập được quy định chi tiết tại điều 3 như sau:

Điều 3. Mức phụ cấp ưu đãi

1. Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau đây:

a) Xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần;

b) Giám định pháp y, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh lý.

2. Mức phụ cấp 60% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau đây:

a) Khám, điều trị, chăm sóc người bệnh cấp cứu, hồi sức cấp cứu, cấp cứu 115, truyền nhiễm;

b) Xét nghiệm, phòng chống bệnh truyền nhiễm;

c) Kiểm dịch y tế biên giới.

3. Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh gây mê hồi sức, điều trị tích cực, nhi, chống độc, bỏng và da liễu.

4. Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa; y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này.

5. Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với công chức, viên chức sau đây:

a) Công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế để thực hiện các công việc: truyền thông giáo dục sức khỏe; dân số - kế hoạch hóa gia đình;

b) Công chức, viên chức quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các cơ sở, viện, bệnh viện chuyên khoa, các trung tâm: HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần, giải phẫu bệnh lý, pháp y.

6. Đối với công chức, viên chức không trực tiếp làm chuyên môn y tế; công chức, viên chức y tế làm công tác quản lý, phục vụ tại các đơn vị sự nghiệp y tế nói chung (trừ đối tượng quy định tại điểm b khoản 5 Điều này), viên chức làm công tác chuyên môn y tế tại cơ quan, đơn vị, trường học thì thủ trưởng đơn vị căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu để xem xét, quyết định nhưng không vượt quá mức 20% so với mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng được hưởng.

Về chế độ đối với nhân viên y tế thôn bản, Bộ Y tế trực tiếp làm việc với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp để thống nhất nội dung và hình thức văn bản.

Theo quy định, hồ sơ đề nghị hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động là F0 điều trị nội trú cần có giấy ra viện. Người điều trị ngoại trú có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

Mỗi lần khám, người bệnh được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH tối đa là 30 ngày. Trường hợp F0 cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đã được cấp, người F0 phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.

Trong thời gian nghỉ, người lao động được hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.

Để hưởng chế độ ốm đau sau khi khỏi Covid-19, người lao động nộp cho người sử dụng lao động bản sao giấy ra viện (trường hợp điều trị nội trú); giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị (trường hợp điều trị ngoại trú) trong vòng 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc để đơn vị hoàn thiện hồ sơ và gửi cơ quan BHXH.

Cơ quan BHXH sẽ giải quyết chế độ cho người lao động trong tối đa 6 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Hoàn thành các thủ tục, người lao động có thể nhận tiền qua tài khoản cá nhân hoặc thông qua đơn vị sử dụng lao động.

Trước đó, BHXH Việt Nam cũng đã sẵn sàng cải cách hành chính, rút gọn quy trình và chuẩn bị nguồn kinh phí, nhân lực để tiếp nhận và giải quyết sớm nhất chế độ BHXH cho người lao động bị F0 ngay khi có hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế về các loại giấy tờ có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. BHXH Việt Nam sẽ kịp thời chỉ đạo cơ quan BHXH các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan để giải quyết nhanh, đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi Thông tư được ban hành.

Mai Chi