FaceApp nguy hiểm, Facebook hay TikTok còn đáng sợ hơn trăm lần

Tạp Chí Nhân Đạo
Hàng triệu người dễ dãi chia sẻ ảnh của mình với ứng dụng FaceApp. Tuy nhiên, những ứng dụng mạng xã hội khác còn nắm giữ lượng dữ liệu gấp nhiều lần.

FaceApp có lẽ là ứng dụng được quan tâm nhất tuần này. Trên mạng xã hội, cả triệu người hào hứng chia sẻ những bức ảnh của bản thân vài chục năm sau với bộ lọc của ứng dụng này. Chỉ riêng trên Play Store, đã có hơn 100 triệu người tải ứng dụng FaceApp.

Tuy nhiên, đi kèm sự nổi tiếng là những lo ngại về vấn đề sử dụng dữ liệu của FaceApp. Khi chấp thuận điều khoản sử dụng, người dùng vẫn sở hữu bản quyền về khuôn mặt của mình, nhưng FaceApp được phép can thiệp miễn phí và vĩnh viễn hình ảnh khuôn mặt của bạn.

Điều đó có nghĩa là FaceApp gần như toàn quyền sử dụng những bức ảnh bạn đã đăng tải.

Facebook, Google biết gì về bạn?

Nếu bạn nghĩ như vậy đã là tệ, thực tế là nhiều ứng dụng còn sử dụng dữ liệu người dùng một cách ngang nhiên hơn. Facebook, TikTok, Twitter và hàng tá ứng dụng mạng xã hội khác vẫn ngày ngày dùng dữ liệu của cả tỷ người, nhưng vẫn được bỏ qua.

Đầu tiên, hãy nhắc đến Facebook. Trong hơn 1 năm qua, mạng xã hội lớn nhất thế giới đã dính hàng loạt bê bối về lộ dữ liệu người dùng. Đầu năm 2018, vụ việc liên quan đến công ty Cambridge Analytica đã khiến 87 triệu người bị lộ dữ liệu.

facebook
Những bê bối như Cambridge Analytica của Facebook, ảnh hưởng tới hàng chục triệu người dùng, cho thấy FaceApp chỉ là mối lo nhỏ xíu. Ảnh: AFP.

Facebook thu thập hàng tá dữ liệu của bạn: từ ngày sinh, sở thích, bạn bè tới học vị. Đó là chưa kể tới cả nghìn tấm ảnh mỗi người dùng tải lên Facebook, được mạng xã hội này sử dụng để cải thiện AI của họ. Xin lưu ý rằng Facebook cũng sở hữu Instagram và WhatsApp, tức là mọi thông tin của bạn trên 2 nền tảng ấy đều thuộc về Facebook.

Vừa qua, Facebook đã bị Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC) phạt 5 tỷ USD vì xâm phạm dữ liệu người dùng. Tuy nhiên, mức phạt đó được nhận định là không đủ để thay đổi hành vi của Facebook, thậm chí còn khiến CEO Mark Zuckerberg giàu hơn.

TikTok, mạng xã hội mới nổi đến từ Trung Quốc cũng vướng vào những vụ bê bối về sử dụng dữ liệu người dùng trong thời gian qua. Ngay trong điều khoản sử dụng của TikTok, mạng xã hội này nêu rõ người dùng sẽ “không được hưởng quyền riêng tư, công khai hoặc bất kỳ quyền nào tương tự đối với nội dung của họ hoặc một phần nội dung đó”.

Nói cách khác, nội dung khi được người dùng đăng lên nền tảng của TikTok đã hoàn toàn thuộc về TikTok. TikTok phát triển rất nhanh trong thời gian gần đây, và ngày càng có doanh thu lớn hơn từ quảng cáo. Dữ liệu, sở thích của người dùng vì thế trở thành “món hàng” quý giá đối với nền tảng này. Cả hai thứ đó, người dùng đều tự nguyện dâng cho họ.

Những quy định như trường hợp của TikTok không phải cá biệt. Chúng là những thỏa thuận mà mọi mạng xã hội đều đưa ra như là yêu cầu cần chấp nhận để sử dụng dịch vụ. Điều đáng sợ hơn là chúng ta không thể đảm bảo những công ty công nghệ khổng lồ, có giá trị hàng chục tỷ USD này sử dụng dữ liệu đúng với những gì họ nói.

Mới đây, New York Times cho biết Facebook, Google và Oracle theo dõi người dùng ngay cả khi họ đang xem các nội dung khiêu dâm. Các nhà nghiên cứu từ Microsoft, Carnegie Mellon và Đại học Pennsylvania đã sử dụng công cụ Xray để phân tích 22.484 trang web khiêu dâm và kiểm tra xem trang web nào cung cấp dữ liệu cho bên thứ ba.

"Kết quả cho thấy 93% các trang web khiêu dâm rò rỉ dữ liệu người dùng cho các bên thứ ba", nghiên cứu cho biết.

Như vậy, chỉ một sở thích rất riêng tư như bạn thích thể loại phim người lớn nào, Facebook và Google cũng biết rất rõ.

FaceApp chỉ là bề nổi của vấn đề

Sử dụng FaceApp rất đơn giản. Chỉ cần tải xuống, khởi động và xong, bạn có thể chia sẻ ảnh "về già" của mình ngay lập tức. Ứng dụng yêu cầu quyền truy cập vào thư viện ảnh để chọn ảnh có sẵn, và sử dụng camera để chụp ảnh mới trong ứng dụng.

Chung quy lại, chỉ có 2 thông tin được FaceApp sử dụng, đó là camera và thư viện. Ứng dụng không đòi hỏi email, tên hay bất cứ thông tin cá nhân nào. Bạn cũng không cần đăng ký tài khoản hay cung cấp ngày sinh. So với những ứng dụng khác, thông tin mà FaceApp yêu cầu gần như vô hại với danh tính của bạn.

faceapp
Nếu lo ngại về sự riêng tư khi dùng FaceApp, tốt nhất bạn nên ngừng sử dụng Facebook, Google, bởi những nền tảng lớn còn biết nhiều thứ về bạn hơn. Ảnh: TechCrunch.

Những thông tin khác được bạn tự nguyện cung cấp cho mạng xã hội có thể không vô hại như vậy. Trong thời đại ngày nay, rất nhiều thông tin cá nhân của bạn được "số hóa", lưu trữ và truyền tải bất cứ lúc nào.

Hãy lấy ví dụ, bạn mua hàng ở một siêu thị, nơi đó sẽ thu thập thông tin những mặt hàng bạn mua, số tiền phải trả, mua ở chi nhánh nào... Chúng hoàn toàn có giá trị đủ để hacker "thèm thuồng". Năm 2014, chuỗi siêu thị Target đã bị hacker đột nhập lấy đi hàng chục triệu dữ liệu khách hàng.

Thế nhưng liệu bạn có ngừng đến siêu thị đó mua đồ không? Hầu hết siêu thị đều thu thập những dữ liệu đó, vậy nên... đi đâu cũng vậy thôi. Tương tự, các mạng xã hội ngày càng có nhiều người dùng, dù họ không thể đảm bảo an toàn về mặt dữ liệu của người sử dụng.

FaceApp do đó chỉ là bề nổi của vấn đề. FaceApp thực sự gợi lại nguy cơ về mặt bảo mật dữ liệu riêng tư, nhưng nó không phải là mối lo duy nhất. Hàng ngày, Facebook, Google và cả tá công ty khác hoạt động trực tuyến đang sở hữu những thông tin của bạn nhiều hơn những gì bạn biết.

Theo Zing