Mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã có văn bản kiến nghị UBND Tp.Hà Nội và Cục Đường sắt Việt Nam xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu đang ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Ngay khi xuất hiện, thông tin này đã tiếp tục là đề tài tranh luận sôi nổi của dư luận. Thực tế đây không phải lần đầu các đơn vị đường sắt ý kiến và cũng không phải lần đầu Hà Nội chấn chỉnh hoạt động kinh doanh này, tuy nhiên vẫn chưa thể xóa bỏ một cách triệt để đặc biệt có sự phát triển trở lại trong thời gian gần đây.
Phải làm triệt để, tận gốc
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế vận tải đường sắt Việt Nam cho rằng, việc xóa bỏ phố cà phê đường tàu về nguyên tắc là điều cần thiết và không nên nuối tiếc nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu.
“Chúng ta đã có Luật Đường sắt và nhiều văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật trong đó quy định chỉ giới đảm bảo an toàn công trình đường sắt là 8,6 m tính từ mép đường ray ngoài cùng.
Tuy nhiên, khu vực “cà phê đường tàu” do tính lịch sử nên hai bên nhà dân chỉ cách mép ray ngoài cùng từ 1,8m đến 2,3m, do đó khi tàu chạy qua khoảng không còn lại rất ít. Do đó việc tổ chức các hoạt động kinh doanh cà phê, chụp ảnh ở khu vực này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến an toàn giao thông, an toàn chạy tàu, nguy cơ tai nạn rất cao”, ông Thái nhấn mạnh.
Nhấn mạnh “việc này ai cũng biết” nhưng sau nhiều lần xóa bỏ rồi lại nhộn nhịp trở lại, ông Thái cho rằng chính quyền quản lý kém và chưa quyết liệt dẫn người dân tự phát kinh doanh trên hành lang giao thông đường sắt nhiều năm, cũng như để các quán cà phê hoạt động trong lòng đường sắt.
Do đó, chính quyền địa phương cần có giải pháp hợp lý, giải quyết hiện trạng một cách triệt để, vừa không để mất an toàn giao thông vừa khai thác du lịch.
"Nhiều người tiếc rẻ hoạt động của khu phố này vì thu hút được khách du lịch nhưng chúng ta không nên "tham bát bỏ mâm"", ông Thái nói.
Phó Chủ tịch Hội Kinh tế vận tải đường sắt Việt Nam đặt vấn đề: "Mặc dù chưa có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra, tuy nhiên, có ai dám chắc rằng với tình trạng kinh doanh tự phát và lượng du khách đổ về ngày càng đông, hàng quán kinh doanh lộn xộn, lấn chiếm tràn lan và có chiều hướng tăng mạnh hơn nếu không có sự kiểm soát, sẽ không có vụ tai nạn nào xảy ra trong tương lai?".
Cùng quan điểm, chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc tồn tại một phố cà phê đường tàu ở giữa Thủ đô là điều khó có thể chấp nhận được.
"Đây là hành lang chạy tàu, chúng ta không nên suy nghĩ là nơi kinh doanh du lịch. Không nên khuyến khích việc kinh doanh kiểu bất chấp an toàn và quy định pháp luật như vậy”, ông Thủy nhấn mạnh.
Ông Thủy cũng cho biết việc để tồn tại phố cà phê đường tàu sẽ tạo tiền lệ xấu trong việc vi phạm đến các quy định an toàn chạy tàu. Thực tế chính việc không làm quyết liệt đã khiến cho từ một vài điểm nhỏ lẻ ban đầu đến nay đã phát triển thành cả tuyến phố.
"Để hiện tượng này kéo dài và xử lý mãi không dứt điểm thể hiện ngành giao thông mà trực tiếp là ngành đường sắt đang thiếu cương quyết.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Tp. Hà Nội cũng thiếu trách nhiệm, địa bàn mình quản lý mà các hoạt động như vậy ngang nhiên diễn ra là điều khó có thể chấp nhận.
"Dư luận hoàn toàn có thể đặt vấn đề rằng liệu có tiêu cực ở đây hay không, tức là nếu để mô hình này hoạt động thì sẽ được lợi ích gì đó?", TS. Nguyễn Xuân Thủy nói và cho rằng không nên vì các lợi ích du lịch, vì sự tò mò hiếu kỳ của người dân và du khách mà đánh đổi, cần đặt mục tiêu xây dựng một Thủ đô văn minh, ý thức thượng tôn pháp luật phải được đặt lên hàng đầu.
Theo đó, chuyên gia này cho rằng "cần xóa bỏ ngay" trong đó cần sự quyết liệt của ngành giao thông và Tp. Hà Nội, làm triệt để chứ không phải làm theo kiểu "bắt cóc bỏ đĩa".
Không phải nét văn hóa Thủ đô
Đối với vấn đề phục vụ cho du lịch, chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy cho rằng không nên ngộ nhận hoạt động kinh doanh này là "địa điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô" hay "một nét văn hóa độc đáo của Hà Nội".
"Hiện trạng đường sắt của chúng ta còn lạc hậu so với các nước, rồi ở khu vực đó tình trạng lộn xộn, các quán cà phê mọc lên như nấm, bàn ghế kinh doanh kê tràn ra cả giữa đường tàu thế thì sao coi là văn hóa được, làm sao có thể lấy đó để tự hào được. Khách nước ngoài họ tò mò nhưng tò mò về sự lạc hậu trong đường sắt và về ý thức chấp hành pháp luật của chúng ta", ông Thủy nhìn nhận.
Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, có thể khai thác tiềm năng du lịch từ đường sắt nhưng cần tổ chức một cách bài bản, có quy hoạch trên cơ sở đảm bảo phục vụ nhu cầu của du khách nhưng vẫn đảm bảo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn chạy tàu.
Cũng về vấn đề này, nhà báo Nguyễn Hoài Nam - người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Hà Nội nhận định: "Nói phố cà phê là một nét văn hóa của Hà Nội là một sự ngụy biện, một quan điểm sai lầm".
"Đây là một hoạt động tự phát, xuất hiện cách đây không lâu, không có bề dày văn hóa. Và dù đó là một thứ văn hóa thì đó cũng là một thứ văn hóa nông, không có gốc rễ, nền tảng và không xuất phát từ những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc", nhà báo Nguyễn Hoài Nam nói.
Ông Nam cũng cho rằng, Hà Nội không thiếu những địa điểm du lịch mang đậm giá trị văn hóa thu hút du khách quốc tế. Thêm nữa, Hà Nội cũng đã quy hoạch khu vực tham quan tại vòng cầu đường sắt phố Phùng Hưng hay ga Long Biên để phục vụ du khách, cho nên những hoạt động kinh doanh tự phát, vi phạm hành lang an toàn đường sắt càng phải nên dẹp bỏ.
Sau khi nhận được văn bản của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về kiến nghị xử lý dứt điểm phố cà phê đường tàu, ông Nguyễn Anh Quân - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định, quận Hoàn Kiếm sẽ không đánh đổi sự an toàn của người dân với bất kể lợi ích kinh tế nào.
"100% cơ sở kinh doanh đều vi phạm giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt, nên muộn nhất là 3 ngày tới, chúng tôi sẽ thu hồi toàn bộ giấy phép kinh doanh, đình chỉ có hiệu lực", ông Quân thông tin.
Quận Hoàn Kiếm sẽ giao cơ quan chức năng tổ chức rào chắn, tuyên truyền, vận động người dân và du khách dưới nhiều hình thức, để không còn tình trạng "check-in" trên đường tàu tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Quận cũng sẽ xây dựng đề án gắn với tuyến đường sắt này nhằm hình thành điểm đến thu hút du lịch, xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân và du khách.
PV