Hoạt động đọc sách dưới sân trường tại một trường tiểu học vùng sâu ở Tây Nguyên. Ảnh: NVCC. |
Bắt đầu lăn bánh từ tháng 6/2022, trong vòng chưa đầy một năm, chiếc xe thư viện lưu động “Thư viện mùa xuân” đã đem sách đến 50 trường tiểu học thuộc những vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.
Theo anh Phạm Thanh Tuấn - người sáng lập dự án “Thư viện mùa xuân” - tại các tỉnh vùng Tây Nguyên bao gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum mà chuyến xe đã đi qua, vẫn còn rất nhiều trường học đơn sơ ở tận trong buôn làng, không đủ diện tích cũng như nhân sự để mở một phòng đọc cho các em học sinh.
Hành trình đưa sách về buôn
Từ những năm 2019, khi còn điều hành Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột với nhiều hoạt động lan tỏa văn hóa đọc, anh Phạm Thanh Tuấn đã nhận ra một vấn đề còn tồn tại ở quê hương mình.
Trên vùng đất Tây Nguyên, khoảng cách giữa các huyện khá xa, có khi lên đến 100 km, đang là trở ngại với nhiều độc giả tiềm năng, những người mà dù có tổ chức nhiều sự kiện ở thành phố, họ cũng không thể đến được. “Càng vùng sâu vùng xa thì càng cần sách, nhưng việc di chuyển lại gặp nhiều khó khăn”, anh nói.
Với niềm tin rằng bản chất của sách là phải lan tỏa được đến người cần đọc, anh bắt đầu làm dự án đưa sách về buôn sau khi kết thúc công việc điều hành đường sách. Như dự đoán, dự án gặp phải trở ngại đầu tiên chính là việc di chuyển. Những con đường đất đỏ vào mùa khô thì bụi mù, mùa mưa thì gần như không vào được, đội tình nguyện của anh và những thùng sách có lúc phải nhờ đến các loại xe cày, xe thô sơ mới vào được một điểm trường ở tận trong buôn làng.
Với chiếc xe thư viện lưu động, đội tình nguyện có thể mang sách đến được nhiều điểm trường nằm sâu trong buôn làng. Ảnh: NVCC. |
Nhận thấy việc vận chuyển số lượng sách lớn bằng xe máy không khả thi, anh Tuấn bắt đầu áp dụng mô hình xe thư viện lưu động. Với một chiếc xe nhỏ chứa đầy sách và các dụng cụ để tổ chức một buổi vui chơi, anh đến được với những điểm trường khó khăn hơn, tổ chức các buổi sinh hoạt, vui chơi và quan trọng là qua đó, truyền cảm hứng đọc sách cho các em.
Chưa kể, với nhiều trẻ em là người dân tộc, việc đọc sách tiếng Việt vẫn còn là một rào cản. Vì thế, anh chủ động ưu tiên những cuốn sách tranh sinh động, ít chữ để tất cả các em đều có thể tiếp cận.
“Các em nhỏ ở đâu thì cũng xứng đáng nhận được những điều kiện tốt nhất, dù là ở thành thị hay nông thôn. Thư viện mùa xuân lăn bánh đến các điểm trường với sứ mệnh: hãy để trẻ trở thành màu sắc mà trẻ muốn”.
Trên chuyến xe ngoài sách vở còn có rất nhiều đồ chơi, đó cũng là niềm yêu thương được chia sẻ từ những người yêu trẻ em gửi gắm đến dự án “Thư viện mùa xuân”. Vì thế với anh, mỗi chuyến xe cũng là một hành trình kết nối tình yêu thương từ cộng đồng, mang sách vở, đồ chơi, những món quà nhỏ đến cho các em.
Mỗi đứa trẻ đều là một tài năng
Là một người thích đọc sách, gắn bó với nhiều dự án phát triển văn hóa đọc, quan điểm của anh Phạm Thanh Tuấn không chỉ dừng lại ở những cuốn sách mà thay vào đó, đích đến luôn là con người. Đến nhiều điểm trường, anh chọn cách lắng nghe nhu cầu của các em trước khi lan tỏa điều mình muốn truyền đạt.
“Thời gian đầu đến những vùng sâu, tôi hỏi các em thích món đồ nào giữa 3 món: kẹo, đồ chơi và sách. Đa phần các em chọn đồ chơi đầu tiên, sau đó là sách rồi mới đến kẹo. Thế thì nếu chỉ đem sách về vùng sâu thì các em đã thích sách đâu, các em cần chơi trước mà. Vì thế tôi bắt đầu làm dự án trường học cầu vồng, tức làm các hoạt động trải nghiệm với sách là trung tâm”, anh tâm sự.
Anh Phạm Thanh Tuấn (ở giữa) - người sáng lập dự án “Thư viện mùa xuân”. Ảnh: NVCC. |
Đến các nơi, anh cũng kết nối với những tình nguyện viên tại vùng đó, những người yêu trẻ em và thích sách để tổ chức những buổi sinh hoạt. Anh cho rằng sách nhiều hay ít không quan trọng bằng những người truyền cho các em cảm hứng đọc sách. Tại những ngôi trường nhỏ trong buôn làng, anh cùng các tình nguyện viên bày sách vở, đồ chơi ra sân trường, dưới tán cây mát… rồi cùng chơi và cùng đọc với các em.
“Các em cũng rất thích khi được ngồi đọc dưới tán cây vì không còn cảm thấy bị gò bó trong bốn bức tường của không gian học nữa. Với tôi, hình ảnh những tình nguyện viên chỉ cho các em đọc sách, cùng đọc với các em dưới những tán cây là hình ảnh đẹp nhất, mà nó lại hoàn toàn không tốn tiền”, anh chia sẻ.
Điều quan trọng thứ hai, anh quan niệm là làm sao để cho các em thấy được việc ứng dụng sách vào trong cuộc sống. Vì suy cho cùng, đọc sách cũng là để các em trở nên tốt hơn, áp dụng những điều hay từ sách vào trong cuộc sống.
Mỗi chuyến đi như thế, đội tình nguyện chỉ có thể ngồi lại nửa buổi. Trong thời gian đó, bằng cách kết hợp giữa chơi và học, giá trị của sách được thể hiện thông qua các hoạt động trải nghiệm, vì thế mà trở nên sống động và thú vị hơn. Để sau mỗi cuốn sách, các em có thể tìm thấy màu sắc của riêng mình và được trở thành điều mà mình muốn.
Trước khi rời khỏi các điểm trường, đội tình nguyện viên cũng trang bị cho mỗi lớp học một kệ sách nhỏ. Đó là mô hình anh Tuấn nhận thấy sẽ phù hợp được với nhiều trường học nhỏ không thể trang bị một thư viện riêng. Hơn nữa, sách lại được ở gần các em nhất có thể. Cho đến nay, chuyến xe “Thư viện mùa xuân” đã đi qua 50 điểm trường, trao tặng gần 15.000 cuốn sách với khoảng 150 giá sách trang bị cho các lớp học.
“Mỗi đứa trẻ đều là một tài năng. Giáo dục hạnh phúc là tôn trọng và tạo điều kiện để tài năng đó phát triển”, anh nói.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.