Việc xây dựng dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là hết sức cần thiết để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Để người bệnh không phải chịu thiệt thòi
Góp ý vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An) dẫn chứng thông tin trong một bài báo đăng ngày 3/6 về việc, trong một đơn thuốc được kê một bệnh viện tại Hà Nội, một bệnh nhân đã phải chi tới hơn 4,8 triệu đồng cho thực phẩm chức năng, trong khi chỉ phải chi 400.000 đồng cho thuốc điều trị.
“Bài báo này cũng đưa tin về các đơn thuốc ở bệnh viện này thường xuyên đắt đỏ như vậy nên rất nhiều bệnh nhân đã phải bỏ viện ra về. Đáng lo ngại, đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người bệnh phải chịu thiệt thòi khi đi khám bệnh”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nói.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng, trước đây, dư luận đã nhiều lần biết đến các trường hợp bệnh nhân đã phải chi trả nhiều tiền cho các xét nghiệm không cần thiết, không được giải thích rõ ràng về kết quả khám bệnh, chữa bệnh và thậm chí là không được giải thích khi xảy ra sai sót trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh...
Theo đại biểu, một trong những lý do cơ bản dẫn đến tình trạng này là do chúng ta chưa nhìn nhận đầy đủ về mối quan hệ pháp lý giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
“Trong mối quan hệ này, người bệnh luôn ở vào thế yếu, phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và đạo đức của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh”, đại biểu nói.
Do vậy, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị về nguyên tắc pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phải đặt ra những quy định rất cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh, bởi các quy định trong dự luật hiện chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, chưa đạt được mục tiêu của việc sửa đổi luật lần này là lấy người bệnh làm trung tâm như Tờ trình Chính phủ đã xác định.
Từ đó, đại biểu kiến nghị dự luật phải khẳng định trong mối quan hệ này, người hành nghề phải thực hiện các công việc khám bệnh, chữa bệnh vì lợi ích tối đa của người bệnh.
Theo đó, về trách nhiệm khám bệnh, chữa bệnh, ngoài những nội dung đã được quy định trong dự thảo thì cần quy định rõ người hành nghề bắt buộc phải thông tin cho bệnh nhân về những ưu điểm, nhược điểm, những rủi ro và tác dụng phụ của phương pháp chữa bệnh; giải thích về những phương pháp chữa bệnh khác nếu có chứ không chỉ dừng lại ở quy định chung như dự thảo hiện nay là tư vấn cung cấp thông tin về phương pháp khám bệnh, chữa bệnh.
Đồng thời, cần phải khẳng định trách nhiệm này phải được tiến hành liên tục trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, nhất là khi có những diễn biến mới về tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Điều này bảo đảm người bệnh hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của mình và hiểu được kết quả của tiến trình khám bệnh, chữa bệnh mà bác sĩ đã thực hiện.
"Đây là một trong những nội dung được pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, các nước rất quan tâm", đại biểu nói.
Đề xuất bồi thường người bệnh nếu xảy ra sai sót về chuyên môn
Quan tâm đến quyền lợi của người bệnh, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn Bắc Kạn) đề nghị bổ sung thêm một quyền của người bệnh; đó là quyền được bồi thường thiệt hại nếu xảy ra sai sót về chuyên môn.
“Việc này đang diễn ra và cần được luật hóa để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ sở y tế và người hành nghề. Đồng thời bảo đảm được đầy đủ quyền của người bệnh”, đại biểu tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh.
Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn Tiền Giang) lại quan tâm về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phân tích, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá, Nhà nước ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập và quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh với những cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa.
Đối với khối tư nhân, theo đại biểu, cần có cơ sở, cơ chế kiểm soát giá, quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để bảo đảm quyền của người bệnh.
“Nếu thả nổi cho giá khu vực tư nhân quyết định sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, người bệnh phải trả chi phí cao khi họ không có lựa chọn khác trong thời điểm các cơ sở y tế công lập đã quá tải như thực tế trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua”, đại biểu phân tích.