Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra từ ngày 21/5 đến 14/6 sắp tới, dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung sẽ được đưa ra thảo luận lấy ý kiến.
Những điểm mới căn bản trong dự thảo Luật Giáo dục đại học mà Bộ GD&ĐT đưa ra để lấy ý kiến, cụ thể như sau:
Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học
Đây là chính sách lớn nhất thể hiện trong Dự thảo Luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở GDĐH phát huy tối đa nội lực, tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế.
Đổi mới quản trị đại học
Đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ, quy định Hội đồng trường thực hiện chức năng quản trị trường, quyết định định hướng phát triển trường, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính… Hiệu trưởng thực hiện chức năng quản lý, điều hành hoạt động của trường theo quy định của pháp luật và theo quyết nghị của Hội đồng trường.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học tư thục, bổ sung quy định về bộ máy quản lý theo tiêu chí chủ sở hữu để vận dụng mô hình quản trị doanh nghiệp; Thực hiện bình đẳng trường công và trường tư, bổ sung các quy định phù hợp để khuyến khích đầu tư, phát triển các trường tư thục.
Đổi mới quản lý đào tạo
Dự thảo Luật xây dựng một số chuẩn chất lượng cho GDĐH như chuẩn chương trình, chuẩn giảng viên, chuẩn cơ sở GDĐH… làm công cụ quản lý nhà nước, tạo không gian thống nhất trong toàn hệ thống GDĐH Việt Nam, phù hợp với xu hướng quốc tế, đảm bảo chất lượng đào tạo, thúc đẩy việc công nhận văn bằng, tín chỉ giữa các trường trong khu vực và trên thế giới.
Đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học
Cơ sở đào tạo còn được tự chủ trong việc: quy định các tiêu chuẩn đối với giảng viên quy định cơ chế chính sách sử dụng, đãi ngộ để tuyển chọn, thu hút giảng viên, đặc biệt là giảng viên giỏi trong và ngoài nước tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học .
Về tài chính, tài sản trong GDĐH
Đối với nhà nước, ngân sách để dùng để đầu tư, phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao; phát triển một số ngành, vùng đặc thù để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; có cơ chế phân bổ nguồn lực cho giáo dục đại học theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả.
Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động được quyết định đầu tư các dự án sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách của cơ sở giáo dục đại học để thực hiện hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu học phí và thu sự nghiệp, nguồn kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ…
Cơ sở GDĐH ngoài công lập: Các trường tư thục cần để lại tối thiểu 25% chênh lệch thu chi để đầu tư phát triển trường nhưng không bắt buộc đưa vào khối tài sản chung không chia. Các trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận không được chia lãi theo thông lệ quốc tế; chênh lệch thu chi để đầu tư phát triển trường là tài sản chung hợp nhất không phân chia.
Từ kinh nghiệm của những nền giáo dục phát triển trên thế giới, tự chủ đại học được coi là động lực quan trọng để các cơ sở giáo dục đại học phát huy tối đa nội lực; linh hoạt, sáng tạo, kịp thời đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội.