Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Bổ sung thêm nhiều quyền, lợi ích cho người lao động

Lã Thị Thúy hằng
Với mục đích tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được xây dựng theo hướng mở rộng đối tượng tham gia và gia tăng quyền, lợi ích cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu.

Chiều 16/3, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin quá trình xây dựng Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

a6-1678975393.jpg

Quang cảnh họp báo.

Khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết: Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ bảo hiểm xã hội toàn bộ lực lượng lao động. Đồng thời, việc sửa đổi Luật góp phần sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu.

a7-1678975498.jpeg

Dự thảo Luật BHXH hướng tới mục tiêu có thêm nhiều người hết tuổi lao động có lương hưu, giảm số lượng người lao động hưởng BHXH một lần.

Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Duy Cường cho biết, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội; bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; và đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Cụ thể, so với Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có một số nội dung thay đổi. Đáng chú ý, dự thảo bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội bên cạnh tầng bảo hiểm xã hội cơ bản (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện), đồng thời bổ sung quy định về liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng bảo hiểm xã hội cơ bản nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Dự thảo Luật quy định đối tượng công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm. Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Quy định này kỳ vọng sẽ giúp tăng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội để dần hướng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

Đặc biệt, dự thảo quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng (thấp nhất bằng với mức trợ cấp hưu trí xã hội) từ quỹ bảo hiểm xã hội cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của họ; đồng thời, trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Cùng với đó, dự thảo cũng bổ sung đối tượng tham gia và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã tiếp tục mở rộng đối tượng chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương và người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt (người lao động làm việc không trọn thời gian) tham gia và thụ hưởng 5 chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc. Việc bổ sung các đối tượng trên sẽ bảo đảm phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, bảo đảm gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng tham gia và gia tăng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội...

Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm; điều chỉnh quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc…

Dự kiến, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ lấy ý kiến người dân góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tới hết tháng 4, sau đó sẽ tiếp thu để hoàn thiện dự thảo và gửi Bộ Tư pháp thẩm định để trình Chính phủ. Dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến dự luật này vào kỳ họp tháng 10/2023, xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024, để có hiệu lực từ năm 2025.

Thúy Hằng