Dự kiến giảm 50% môn học phổ thông: Giảm tải, sẽ tăng được chất lượng

Tạp Chí Nhân Đạo
Bộ GD&ĐT vừa đưa ra lấy ý kiến toàn dân về dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể. Đây được coi là cơ hội để ngành giáo dục đổi mới toàn diện, triệt để chương trình giáo dục phổ thông, với mục tiêu vừa giảm tải cho học sinh, vừa nâng cao chất lượng dạy và học, tiệm cận với xu hướng giáo dục tiên tiến của thế giới. Nội dung đáng chú ý nhất là nếu theo dự thảo chương trình này, một nửa số lượng môn học sẽ được giảm…
du-kien-giam-50-mon-hoc-pho-thong-giam-tai-se-tang-duoc-chat-luong
Ảnh minh họa.

Nội dung dự thảo chương trình

Chia sẻ về dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, nước ta đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng thay đổi tiếp cận từ nội dung kiến thức sang phát triển phẩm chất, kỹ năng để giúp người học năng động, linh hoạt xử lý các vấn đề của cuộc sống. Dự thảo chương trình này có sự kế thừa những nội dung hợp lý của Chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành, đồng thời có sự bổ sung, cập nhật kinh nghiệm đổi mới của các quốc gia có nền giáo dục phát triển trên thế giới.

Theo GS.Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới, quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông và mục tiêu chương trình giáo dục của từng cấp học, yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung của học sinh cuối mỗi cấp học, các lĩnh vực giáo dục và hệ thống các môn học, thời lượng của từng môn học, định hướng nội dung giáo dục bắt buộc ở từng lĩnh vực giáo dục và phân chia vào các môn học ở từng cấp học đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc, định hướng về phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục và cách thức đánh giá chất lượng giáo dục của từng môn học, điều kiện tối thiểu của nhà trường để thực hiện được chương trình.

Điểm nhấn làm nên sự khác biệt giữa chương trình mới và chương trình hiện hành là sự phân biệt rất rõ ràng giữa hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Trong đó, giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp chính là cấp học THPT. Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp cũng phân chia làm 2 giai đoạn và giai đoạn để học sinh thực sự định hướng cho nghề nghiệp tương lai của mình chỉ kéo dài trong 1 năm học đầu cấp. 2 năm cuối cấp được coi là giai đoạn tiếp cận nghề nghiệp.

GS.Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh, trong dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, điểm thay đổi lớn nhất là giảm khoảng một nửa số lượng môn học so với chương trình hiện hành. Trong chương trình lớp 10, học sinh vẫn học đủ các môn với nội dung hướng nghiệp của từng môn rất rõ ràng. Ngoài 3 môn là Toán học, Văn học và Ngoại ngữ được dạy xuyên suốt 2 học kỳ, các môn học còn lại học sinh sẽ chỉ phải học trong 1 học kỳ. Môn Giáo dục thể chất (Thể dục) sẽ được thay thế bằng hình thức câu lạc bộ thể thao tự chọn, thay vì là một môn học chính thức và học sinh phải học đủ các nội dung như hiện nay. Đây là giai đoạn học sinh cần phải xác định được định hướng nghề nghiệp cho mình để lựa chọn các môn học phù hợp khi sang lớp 11.

Bắt đầu từ năm lớp 11, học sinh sẽ chỉ cần chọn 5 môn học phục vụ cho nhu cầu nghề nghiệp tương lai của mình. Trong số các môn học, dự kiến sẽ có chia làm 3 nhóm, một nhóm học 5 tiết/tuần, một nhóm học 4 tiết/tuần và 1 nhóm học 3 tiết/tuần. Toàn bộ thời gian còn lại sẽ chủ yếu dành cho học sinh thực hành để sẵn sàng phục vụ cho nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn sau này.

Theo dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, vai trò tự chủ của các trường được thể hiện rất cao. Chương trình sẽ chỉ quy định tổng thời lượng mỗi môn học trong năm, thay vì quy định chi tiết đến từng tuần như hiện nay. Các trường được toàn quyền chủ động sắp xếp kế hoạch giảng dạy từng môn như thế nào cho phù hợp với điều kiện của nhà trường.

Cùng với đó, GS.Nguyễn Minh Thuyết cho biết, một nội dung rất mới của dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể là yêu cầu học sinh phải qua các trải nghiệm sáng tạo, trong đó có các hoạt động phục vụ cộng đồng. Đây được coi là điều kiện bắt buộc để xét tốt nghiệp và các trường đại học, cao đẳng được khuyến nghị coi hoạt động trải nghiệm của học sinh là điều kiện ưu tiên trong tuyển sinh đầu vào của các trường này.

Tóm gọn lại, “cha đẻ” của Chương trình Giáo dục phổ thông mới nhấn mạnh tới 16 chữ thể hiện phẩm chất cần có của học sinh theo chương trình này: “Nhân ái, khoan dung; chuyên cần, tiết kiệm; trách nhiệm, kỷ luật; trung thực, dũng cảm”.

Quá tải không ở số môn, mà ở khối lượng kiến thức

Theo GS.Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tổng số môn học nhiều lên, số môn học bắt buộc nhiều và xuất hiện thêm một số môn học mới. Tuy nhiên, điều đó không thể giúp đánh giá học sinh có bị quá tải hay không. Quá tải không nằm ở số lượng môn học, mà ở lượng kiến thức và yêu cầu mà môn học đặt ra.

Chương trình Giáo dục tổng thể có nội dung quan trọng là học sinh được tự chọn các môn học. Đã là tự chọn thì phải có nhiều môn học hơn. Số môn có thể nhiều nhưng học sinh chỉ cần lựa chọn số ít trong số các môn đó, theo nhu cầu riêng của mình. Đây chính là ưu thế của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Đề cập tới vấn đề trải nghiệm sáng tạo, GS.Đào Trọng Thi đánh giá, đây chỉ là một cách thức, phương pháp học của học sinh, được học sinh tiếp cận thông qua môn học cụ thể. Trước đây, hoạt động trải nghiệm sáng tạo được thể hiện qua bài nói chuyện, thảo luận hay qua buổi tham quan thực tiễn. Theo chương trình mới thì chương trình trải nghiệm sáng tạo được thiết kế theo kiểu tích lũy các môn học. Đây chỉ là kỹ thuật trong thiết kế cơ cấu chương trình.

GS.Đào Trọng Thi đánh giá cao việc Ban Soạn thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đã cân nhắc cho học sinh lựa chọn theo từng môn học mà không phải theo gói môn học kiểu như phân ban trước đây. Nghề nghiệp trong tương lai sẽ không còn đơn thuần tách biệt khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, mà có những nghề có sự kết hợp hài hòa giữa hai tổ hợp này.

Với những nội dung thay đổi của dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, có thể thấy, từ sự thay đổi chương trình sẽ dẫn tới sự thay đổi hoàn toàn về cách thức tổ chức một lớp học truyền thống từ trước tới nay. Lâu nay, học sinh được phân chia vào từng lớp và sẽ học chung với nhau trong một lớp học ấy chí ít là cho đến khi có sự thay đổi lại cơ cấu, tổ chức lớp (ví dụ chia tách, sáp nhập lớp). Thường là học sinh sẽ học chung lớp với nhau từ đầu cấp học cho đến cuối cấp học. Tuy nhiên, theo chương trình mới (nếu được thông qua và có hiệu lực), học sinh sẽ tự chọn các môn học của mình và lớp học sẽ được tổ chức theo số lượng học sinh đăng ký học môn học đó. Do vậy, một học sinh có thể sẽ theo học rất nhiều lớp học khác nhau kể từ khi bắt đầu cấp học cho đến khi tốt nghiệp THPT.