Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm và phổ điểm thi THPT quốc gia 2019, nhiều chuyên gia dự đoán điểm chuẩn đại học sẽ tăng. Đại diện các trường cũng có cái nhìn tích cực về công tác tuyển sinh với phổ điểm thi năm nay.
Dự kiến mức trúng tuyển tăng từ 1 đến 3 điểm
Dựa vào phổ điểm thi và số liệu nguyện vọng đăng ký năm nay, thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), dự đoán điểm chuẩn có thể tăng từ 1 đến 3 điểm.
Cụ thể, với ĐH Khoa học Tự nhiên, thạc sĩ Phùng Quán cho rằng nhóm ngành Máy tính và Công nghệ Thông tin, Công nghệ Kỹ thuật Hoá học, Công nghệ Sinh học, Hoá học, mức trúng tuyển tăng ít nhất 1,5 đến 3 điểm.
Một số ngành khác được dự báo mức trúng tuyển tăng từ một đến 1,5 điểm như: Sinh học, Khoa học Môi trường, Vật lý học, Kỹ thuật Điện tử Viễn thông, Công nghệ Thông tin, Kỹ thuật Điện tử Viễn thông, Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, Kỹ thuật Hạt nhân, Toán học, điểm chuẩn tăng 1 đến 1,5.
Các ngành còn lại như Khoa học Vật liệu, Địa chất học & Hải dương học, đại diện nhà trường dự báo điểm chuẩn có thể tương đương năm ngoái hoặc tăng từ 0,5 đến 1 điểm.
Tương tự, PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng với một số ngành đang "hot" như Khoa học Máy tính, nhóm ngành Điện - Điện tử, Cơ khí - Cơ điện tử, Hóa - Sinh - Công nghệ Thực phẩm, Quản lý Công nghiệp, Hệ thống Công nghiệp - Logistics, Kỹ thuật Ôtô, mức chuẩn có thể tăng khoảng 1,5 điểm so với năm ngoái.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng dự đoán điểm trúng tuyển tăng ở đa số trường đại học. Riêng với ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ông Dũng phân tích điểm chuẩn các ngành thường của trường sẽ tăng 0,5-0,75 điểm, ngành "hot" tăng 1-1,5 điểm.
Ít sử dụng tiêu chí phụ
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ Doanh nghiệp, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, đánh giá phổ điểm các môn thi năm 2019 "vừa đẹp cho tuyển sinh".
"Xét theo các khối truyền thống có nhiều thí sinh đăng ký, phổ điểm có tính phân hóa tốt, thuận lợi cho tuyển sinh. Số thí sinh đạt được mức điểm cao nhiều cũng giúp các trường đảm bảo nguồn tuyển và độ phân hóa tốt, giúp các ngành chọn được học sinh mà không cần dùng tiêu chí phụ", ông Sơn nói.
Cụ thể, ở khối A00 (Toán, Lý, Hóa), nếu như mức 18 điểm có 33.899 em, thì đến mức 21 là 32.322; mức 22 là 25.820; mức 24 là 18.205; mức cao tầm 26 chỉ còn trên 2.886 và điểm 27 là 1.115 thí sinh. Tương tự, ở khối B00 (Toán, Hóa, Sinh), mức 25 điểm là 2.506; mức 26 điểm 1.414; mức 27 là 713 em.
"Có thể dự đoán điểm chuẩn các trường và ngành tốp trên sẽ tăng hơn năm ngoái từ 1 đến 3 điểm. Nhóm trường Y Dược và khối công an, quân đội sẽ có điểm chuẩn tăng cao nhất. Riêng đối với các trường đào tạo sư phạm, vì số lượng nguyện vọng đăng ký giảm so với năm 2018, nên điểm thi năm nay có tăng, mức trúng tuyển cũng khó biến động, nếu có tăng cũng rất ít”, thạc sĩ Sơn dự đoán.
Đối với các trường, ngành hàng năm có mức trúng tuyển 18 đến 20 điểm, ông Sơn cho rằng điểm chuẩn sẽ ít biến động, có tăng thì tùy theo trường và không quá 2 điểm.
"Điểm bình quân cao nhưng từ khoảng 7, 8 trở lên thì phổ điểm dốc mạnh ở nhiều môn. Nếu nhìn phổ điểm môn Tiếng Anh sẽ thấy tệ nhưng kết hợp thành các khối xét tuyển, phổ điểm lại rất tốt cho các trường đại học. Phổ điểm môn Lý, Hóa rất đẹp", đại diện ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM nhận xét.