Dự án sinh kế cho người khuyết tật, người già neo đơn

Tạp Chí Nhân Đạo
Ngày 5/5, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ bàn giao con giống và trang thiết bị phục vụ cho phát triển kinh tế cho người khuyết tật, người già neo đơn. Chương trình do Quỹ Thiện Tâm- Tập đoàn Vingroup tài trợ.

Dự án thực hiện tại trường dạy trẻ khuyết tật tỉnh, Trung tâm công tác xã hội tỉnh Hậu Giang và 02 huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy.

du-an-sinh-ke-cho-nguoi-khuyet-tat-nguoi-gia-neo-don

Thông qua dự án có 85 đối tượng người khuyết tật và người già neo đơn được hưởng lợi. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 567.713.000 đồng. Theo từng phương án làm kinh tế, các hộ gia đình được hỗ trợ vốn từ 6- 7,2 triệu đồng.

Dự án được thực hiện có sự khảo sát và hướng dẫn tỉ mỉ của ban quản lý. Đặc biệt là sự phối hợp của cán bộ thú y tận tình hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi và kịp thời hỗ trợ khi cần. Xác định nhu cầu sinh kế của từng hộ gia đình cũng là một trong những phương thức triển khai dự án tốt hơn.

Qua khảo sát, dự án đã hỗ trợ 5 máy may, 01 cây đàn organ cho các em học sinh trường khuyết tật; hỗ trợ 10 bộ thiết bị đan dây nhựa cho Trung tâm Công tác xã hội; 01 máy giặt, 04 tủ kem, 04 xuồng máy làm nghề thả lưới và con giống chăn nuôi heo, gà, vịt, cá cho 26 hộ tại huyện Phụng Hiệp và 19 hộ tại huyện Vị Thủy.

Trong hoàn cảnh khác nhau, nhu cầu trợ giúp sinh kế của từng hộ gia đình cũng khác nhau. Đối với người già, người khuyết tật thì nhu cầu con giống sản xuất là yêu cầu cấp thiết.

Anh Nguyễn Hoàng Tân, ấp Phương Quới B, Phương Bình, Phụng Hiệp, có 1 đứa con 5 tuổi bị khuyết tật bẩm sinh. Thu nhập chính của gia đình nhờ vào tiền làm thuê của anh Tân từ 1-2 triệu đồng. Nhờ vào dự án hỗ trợ sinh kế mà gia đình anh có thêm điều kiện làm kinh tế gia đình.

Anh Tân chia sẻ: “Vợ tôi ngoài công việc nhà còn phải chăm sóc cho đứa con tật nguyền, nếu có chương trình hỗ trợ sinh kế, gia đình sẽ nuôi heo, vợ tôi có thể vừa làm, vừa chăm sóc con”.

Những người khuyết tật, hơn ai hết họ mong muốn được làm việc bằng chính khả năng của mình. Bản thân họ cũng vượt qua mọi khiếm khuyết của bản thân để hòa nhập với xã hội. Chị Nguyễn Thị Hoàng Yến, xã Long Thạnh, Phụng Hiệp bị tật chân bẩm sinh nhưng chị là lao động chính của gia đình nhờ vào nghề làm móng. Chị đã vượt lên chính mình, đi trên đôi chân tật nguyền nuôi mẹ già và hai cháu nhỏ.

Chị Yến phấn khởi nói: “Tôị rất vui khi được chương trình giúp đỡ. Trước đây tôi thường nhận quần áo về giặt, được chương trình hỗ trợ máy giặt sẽ giúp cho tôi tiết kiệm được thời gian và tăng năng suất công việc, có thêm thu nhập”.

Tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, dự án triển khai trang bị 10 máy hỗ trợ đan dây nhựa cho các bệnh nhân đang điều trị tại trung tâm. Được biết, Trung tâm đã liên kết với Doanh nghiệp tư nhân Thành Phát, thị xã Ngã Bảy đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Qua hoạt động này tạo điều kiện cho bệnh nhân có thêm thu nhập từ nghề đan dây nhựa.

Anh Thắng Em, huyện Châu Thành chia sẻ: “Tôi vào đây điều trị bệnh đã hơn 5 năm, hiện tại bệnh tình tôi đã hết, ở đây tôi học nghề đan này để có thêm cái nghề nuôi sống bản thân khi trở về gia đình”.

Để triển khai dự án hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, người già neo đơn, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục tổ chức cấp con giống cho các hộ gia đình tại huyện Vị Thủy và triển khai dự án đến Trường trẻ em Khuyết tật tỉnh.