Mở ra cánh cửa…
Đây là năm thứ 3 cô giáo trẻ sinh năm 1997 Bùi Thị Thảo, giáo viên Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi (H.Trảng Bom), được sống và làm việc trong môi trường sư phạm mà mình mơ ước.
Cô Bùi Thị Thảo cho hay, khi còn học tiểu học, hoàn cảnh gia đình cô rất nghèo. Tất cả vật dụng từ quần áo, giày dép, cặp, sách đều là đồ cũ mọi người thương mà tặng cho. Nhờ chịu khó học và cha mẹ cũng muốn con được đi học nên sau khi hết lớp 5, Thảo được chuyển đến Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS liên huyện Tân Phú - Định Quán.
“Từ lúc đi học, tôi được ăn uống no đủ ngày 3 bữa, được ngủ trong phòng không sợ mưa dột, không phải trả tiền học. Những ngày về nhà không ăn cơm trường, tôi được bù lại một khoản nho nhỏ để tiết kiệm mua vật dụng cá nhân, nên tôi gắng đi học” - cô Thảo kể.
Sau khi hoàn thành bậc THCS, cô Thảo tiếp tục theo học Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Ở cấp nào, cô cũng học tốt và còn nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Theo cô Thảo: “Khi đoạt giải, ngoài phần quà của ban tổ chức, nhà trường, hội cha mẹ học sinh còn tặng quà để động viên. Điều này khiến bản thân càng vui và cố gắng học tập”.
Tương tự, với nữ sinh viên năm 2 một trường đại học tại TP.HCM Bùi Thị Phượng (dân tộc Mường, ngụ xã Đắc Lua, H.Tân Phú), việc được học tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS liên huyện Tân Phú - Định Quán rồi Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh đã mở cánh cửa hướng tới tương lai. Mỗi khi nhớ về tuổi học trò của mình, chị Phượng luôn cảm kích sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào DTTS, cùng sự thương yêu, giúp đỡ từng học sinh của thầy cô giáo ở những ngôi trường mình từng học.
Em Điểu Thị Lệ Nguyên (dân tộc Chơro, ngụ xã Túc Trưng, H.Định Quán) hiện là học sinh năm thứ 2 Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai chia sẻ: “Khi hoàn thành chương trình lớp 7 ở xã, em được xét tuyển vào ngôi trường nghệ thuật này. Trải qua 2 năm học ở đây, từ nơi ăn, chốn ở, học phí và các khoản đóng góp khác cha mẹ không phải bận lòng lo cho em như trước kia. Ngoài ra, ở môi trường mới, em thấy mình tiến bộ lên từng ngày, từ nhận thức đến lối sống”.
“Gắng giữ từng học sinh ở lại với trường”
Đó là chia sẻ của thầy Lê Văn Mười, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS liên huyện Tân Phú - Định Quán khi nói về tình cảm mà thầy cô giáo, ban đại diện cha mẹ học sinh dành cho từng học trò nhỏ của mình.
Theo thầy Mười, mỗi học sinh đến trường được Nhà nước trao học bổng lo hoàn toàn chi phí ăn ở, học hành theo quy định. Năm học 2022-2023, nhà trường tuyển mới được 70 học sinh, nâng tổng số học sinh toàn trường lên 276 em, từ lớp 6 đến lớp 9. “Học sinh nhỏ tuổi lại phải sống xa gia đình, khi vào trường phải tuân thủ nội quy về giờ giấc, hoạt động chứ không được tự do, thoải mái như ở nhà nên nhiều em khi mới vào cảm thấy không vui. Do đó, có trường hợp khi về nhà cuối tuần không muốn quay lại trường học” - thầy Mười chia sẻ.
Để kéo các em trở lại trường, thầy cô giáo tìm về tận nhà để hỏi rõ nguyên nhân rồi kết hợp cùng cha mẹ phân tích đúng sai cho từng em. Qua vận động, thuyết phục, các em đều quay lại trường và dần dần thích ứng với môi trường học tập, thích tham gia những hoạt động tại nơi mình sống và học cùng thầy cô giáo.
Hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai Phùng Ngọc Long cho biết, năm học này, trong đợt tuyển sinh thứ nhất, trường tuyển mới được 10 học sinh DTTS theo học các chuyên ngành nghệ thuật ở trường. Hiện trường có 47 học sinh DTTS trong tổng số 210 học sinh. Học sinh ở trường vừa được học văn hóa vào chiều tối, vừa học nghệ thuật vào ban ngày theo giờ hành chính. Do vậy, nhiều em khi mới vào trường cảm thấy chương trình học nhiều nên áp lực là điều khó tránh khỏi. Để các em không thấy chương trình học bị “ngộp”, nhà trường phân bổ thời khóa biểu hợp lý đồng thời dành nhiều thời gian để quan tâm, sâu sát đến học sinh nhằm giúp các em yên tâm ở lại trường học tập.
Em Chìu Thị Năm (dân tộc Dao, ngụ xã Thanh Sơn, H.Định Quán) đã học ở Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai năm thứ 5. Nữ sinh này bộc bạch: “Khi mới vào trường, em mới 11 tuổi. Nhớ nhà, ở một nơi tất cả đều xa lạ nên cái gì em cũng lo, cũng sợ. Nay chỉ còn hơn 1 năm nữa em sẽ tốt nghiệp chương trình đào tạo âm nhạc truyền thống tại trường. Việc học tiếp hay tìm cho mình một công việc còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng kỷ niệm đẹp ở trường với thầy cô, bạn bè, được Nhà nước chăm lo việc học hành trong những năm qua là điều sẽ theo em mãi”.