Trao đổi với phóng viên TTXVN, đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa, Đội trưởng đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết ngay khi đặt chân đến nước bạn Thổ Nhĩ Kỳ, đội chó nghiệp vụ, gồm 6 huấn luyện viên, 6 chó nghiệp vụ, 2 đội trưởng và 1 nhân viên thú y, đã bước ngay vào công tác tìm kiếm, cứu nạn.
Vào ngày 14/2, đội chó nghiệp vụ đã sử dụng 6 chó nghiệp vụ đi thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, phát hiện được 3 vị trí nguồn hơi bị vùi lấp dưới những đống đổ nát. Lực lượng cứu hộ Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng với lực lượng cứu hộ địa phương đưa được 1 thi thể nạn nhân ra khỏi đống đổ nát. Hai vị trí còn lại bàn giao cho đơn vị sở tại. Chính quyền nước sở tại đã cử lực lượng chức năng đào để đưa thi thể nạn nhân ra. Trong 3 vị trí mà chó nghiệp vụ phát hiện, nước sở tại thông báo đã đào được 4 thi thể.
Trong ngày thứ 2, đội chó nghiệp vụ sử dụng 4 chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm cứu nạn, chia làm 2 tổ. Tổ 1 đi theo đội do Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam), Trưởng đoàn, chỉ huy tìm kiếm tại xã Haci Omer Alpagot thuộc Antakya, thủ phủ tỉnh Hatay. Đội 2 do Thượng tá Nguyễn Duy Minh, Trưởng phòng Mỹ-Australia-Phi, Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng phụ trách, hỗ trợ Đội cứu hộ của Bahrain tìm kiếm tại khu vực dân cư tại đường Harapasi của Antakya. Trước đó, phía Bahrain nhờ lực lượng của QĐND Việt Nam phối hợp vì phía bạn không có các thiết bị cứu hộ công binh và chó nghiệp vụ.
Trong ngày 15/2, lực lượng của QĐND Việt Nam tiến hành trinh sát 8 điểm, phát hiện 3 điểm có người bị nạn. Trong đó, đội 1 đã tìm được 2 vị trí có nạn nhân thiệt mạng và bàn giao cho lực lượng cứu hộ hạng nặng địa phương. Đội 2 cùng phía Bahrain tiến vào khu vực sâu và khó tiếp cận nhất ở khu vực đảm nhiệm. Tại đây, đội đã phát hiện vị trí có nguồn hơi người trong đống đổ nát của một hộ gia đình. Do khối lượng bê tông lớn, đường hẹp, phương tiện máy móc chưa vào hỗ trợ được nên đội đã bàn giao lại vị trí có nguồn hơi cho gia đình để báo cho chính quyền sở tại để tiếp cận hỗ trợ. Đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa cho biết trong ngày công tác thứ 2, một chú chó nghiệp vụ đã bị thương ở chân do bị mảnh kính và tôn sắc cắt khi chui vào hầm của hộ gia đình trên.
Ngày 16/2, đội chó nghiệp vụ tiếp tục điều 5 chó nghiệp vụ, cùng với các đơn vị như công binh, quân y để đi thực hiện nhiệm vụ.
Hatay là một tỉnh thu hút khách du lịch trong và ngoài nước của Thổ Nhĩ Kỳ, do có di sản văn hóa và lịch sử phong phú, nhưng giờ đây lại là một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất do thảm hoạ động đất gây ra. Hoạt động cứu hộ cứu nạn ngày một khó khăn hơn do các tòa nhà bị hư hại vẫn có nguy cơ tiếp tục đổ sập. Nhiệt độ ban ngày hiện cao nhất là 11 độ C, ban đêm xuống dưới 0 độ C, lực lượng cứu hộ Việt Nam đã tổ chức thành nhiều vòng, nhiều lớp, làm việc liên tục.
Theo báo Tin tức