Hiện nay công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế tại Việt Nam đang đứng trước không ít khó khăn và thách thức, mạng lưới các cơ sở đào tạo phát triển mạnh nhưng lại chỉ tập trung ở các khu đô thị lớn. Chương trình đào tạo phần lớn vẫn chưa được điều chỉnh cụ thể, rõ ràng, vẫn dựa trên chương trình đào tạo thiên về lý thuyết, chưa chú trọng đúng mức đến việc tạo ra năng lực cần thiết cho người học để đáp ứng được với yêu cầu thực tế trong ngành y tế.
Xã hội phát triển đòi hỏi ngành Y tế cần phải chú trọng đến chất lượng và số lượng trong bối cảnh dân sỗ tăng nhanh và già hóa. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày một tăng cao đòi hỏi chất lượng chăm sóc, dịch vụ y tế từ đó cũng cần phải được cải thiện.
Trước những thách thức đó, công tác quản lý đào tạo nguồn nhân lực trong hệ thống ngành Y tế cần phải đưa ra được những giải pháp nhằm mục tiêu đảm bảo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành Y tế. Để có để đảm bảo được bài toán về số lượng thì công tác đào tạo cán bộ phải đặc biệt được quan tâm đến chất lượng đào tạo.
Theo thống kê, tính đến cuối năm 2017 cả nước ta có gần 200 cơ sở đào tạo về lĩnh vực Y tế, riêng ngành Y đa khoa có 24 trường. Tính đến hết năm 2017 cả nước ta có 8 bác sĩ/10 nghìn dân, dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 10 bác sĩ/10 nghìn dân. Tuy nhiên theo đánh giá chung, số lượng cán bộ y tế có tăng lên để bù đắp vào số lượng cán bộ thiếu hụt, tuy nhiên chất lượng ít nhiều bị ảnh hưởng.
Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn cho biết, hiện nay hầu hết các trường tự chủ trong công tác đào tạo, tự công bố chất lượng, vì vậy để có thể nâng cao chất lương giáo dục phải chính bản thân các đơn vị đó phải hiểu được vai trò của một đơn vị cung ứng nguồn nhân lực trong ngành Y tế. Để công tâm mà nói thì chất lượng mặt bằng chung đối với nhân viên y tế hiện nay vẫn còn chưa cao.
Chất lượng đội ngũ làm việc trong ngành Y tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố đặc biệt là khâu đào tạo. Bộ Y tế cũng đã ban hành nhiều tiêu chuẩn năng lực tùy thuộc vào từng vị trí công việc khác nhau. Tuy nhiên hiện nay chất lượng đào tạo không đồng đều, năng lực nghề nghiệp vẫn chưa gắn liền với thực tế. Hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh và các trường đào tạo thường chưa có sự thống nhất về mặt con người.
Đề cập về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Việc đổi mới nguồn nhân lực y tế phải đảm bảo căn bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu cả về y đức và chuyên môn trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật và triển khai khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, khung trình độ quốc gia trong đào tạo nhân lực y tế, phát huy trách nhiệm, vai trò các bệnh viện trong đào tạo, phát triển bệnh viện đại học. Thành lập hội đồng y khoa quốc gia, tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp thông lệ quốc tế. Thí điểm giao cho cơ quan độc lập tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề”.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đổi mới đào tạo nguồn nhân lực theo hướng hình thành năng lực nhằm mục đích tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của xã hội, tập trung điều chỉnh chương trình đào tạo chuyên sâu thực hành, gắn đào tạo vào sử dụng nhân lực y tế.
Có thể nói đổi mới đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế là một quá trình thực hiện lâu dài, cần có sự chỉ đạo thống nhất giữa các cơ quan quản lý cũng như sự chung tay của các hệ thống đào tạo nhân lực nhằm hướng đến mục tiêu lâu dài, đáp ứng yêu cầu trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.