Doanh nhân Nguyễn Hồng Sơn: Cứ cho đi rồi sẽ nhận lại!

Tạp Chí Nhân Đạo
Ở Đà Nẵng, nói đến doanh nhân Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thạch Bàn miền Trung là nói đến anh Sơn “Thạch Bàn” – người luôn tự nhận mình là chuyên đi “ăn xin”, tức đi xin tài trợ cho các hoạt động từ thiện xã hội từ các doanh nghiệp, các Hội viên của Hội Doanh nghiệp Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng - nơi anh đang làm Phó Chủ tịch thường trực Hội.
doanh-nhan-nguyen-hong-son-cu-cho-di-roi-se-nhan-lai1
Doanh nhân Nguyễn Hồng Sơn tại đêm nhạc “Thương về miền Trung” nhằm quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ ở Quảng Bình tháng 10/2016.

 “Cái tôi phải biến thành cái ta”

Doanh nhân Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thạch Bàn miền Trung đã không còn xa lạ với người dân Đà Nẵng, anh là tác giả của ý tưởng nhà vệ sinh công cộng 5 sao “Thoải mái như ở nhà - Comfort as home” và cũng là người đồng khởi xướng phát động chương trình “Hát cho bệnh nhân tôi nghe”, Dự án “Một bức tranh – nhiều hy vọng” mà hiện nay, nhiều địa phương khác đã bắt đầu học tập, nhân rộng mô hình.

Nói đến ý tưởng nhà vệ sinh công cộng 5 sao, anh Sơn kể: Trong một lần đi uống cà phê với một nhóm người bạn từ Hoa Kỳ về thăm Đà Nẵng tại một quán cóc bên bờ sông Hàn, một hồi lâu, có người bạn trong nhóm có nhu cầu đi vệ sinh nhưng bất chợt nhận ra dọc bờ sông không có nhà vệ sinh nào cả. Và rồi, anh Sơn nghiệm ra một điều, tại sao một thành phố du lịch được mệnh danh là thành phố “đáng sống” mà lại không có lấy một nhà vệ sinh công cộng. Câu hỏi ấy cứ ám ảnh lấy tâm trí anh, anh quả quyết với bản thân mình rằng Đà Nẵng cần phải có những nhà vệ sinh công cộng tiêu chuẩn 5 sao để có thể phục vụ du khách, làm cho mọi du khách khi đến với Đà Nẵng sẽ hài lòng từ chính những điều nhỏ nhất. Đem ý tưởng đó bàn bạc với thường trực Hội Doanh nghiệp quận, Trung tâm Xúc tiến Du lịch… anh nhanh chóng được mọi người ủng hộ.

Nói là làm, anh bắt tay vào thực hiện kế hoạch bằng việc kêu gọi các cơ sở khách sạn, showroom, nhà hàng… tham gia cung cấp toilet miễn phí cho du khách. Và để du khách nhận biết, phía trước các cơ sở này sẽ treo một hình logo mặt cười ngộ nghĩnh có dòng chữ màu xanh da trời “Thoải mái như ở nhà - Comfort as home” trên nền màu trắng. Với tính cộng đồng cao, dự án đã nhận được sự đồng thuận tham gia của rất nhiều doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, các khách sạn, nhà hàng, shop, showroom, văn phòng, khối doanh nghiệp, cơ quan nhà nước… trên địa bàn TP.Đà Nẵng dưới hình thức tự nguyện cho phép khách du lịch sử dụng miễn phí nhà vệ sinh hiện có của mình. Kết quả đạt được vượt xa kỳ vọng của anh. 

doanh-nhan-nguyen-hong-son-cu-cho-di-roi-se-nhan-lai3
Doanh nhân Nguyễn Hồng Sơn tại Chương trình “Hát cho bệnh nhân tôi nghe”.

Một chương trình khác mà anh Sơn cùng giảng viên Hồ Dương Đông - Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng lên ý tưởng, phát động thực hiện cũng đã tạo ra sức lan toả lớn đối với cộng đồng đó là chương trình “Hát cho bệnh nhân tôi nghe”, Dự án “Một bức tranh – nhiều hy vọng”. Chương trình này mang lời ca tiếng hát đến trực tiếp các bệnh viện, giúp các bệnh nhân có thêm động lực tinh thần để lạc quan yêu đời, đấu tranh chống chọi với bệnh tật. Cùng tiếng hát, nhóm thực hiện (gồm cả những học sinh, sinh viên trên địa bàn TP.Đà Nẵng) đã tổ chức thi vẽ tranh, chụp ảnh với chủ đề “Một bức tranh – nhiều hy vọng” sau đó trang trí cho khu xạ trị và khu điều trị đặc biệt tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng.

Qua hơn 1 năm triển khai, dự án đã mang lại những kết quả rất tốt đẹp với sự vào cuộc của rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cơ quan ban ngành chức năng, đặc biệt là hàng ngàn học sinh sinh viên trên địa bàn cũng tích cực tham gia chương trình. Với ý nghĩa nhân văn tích cực, chương trình đã không chỉ dừng lại ở phạm vi ở Đà Nẵng mà đã lan rộng ra các tỉnh Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Hà Nội…

Anh chia sẻ: “Bản thân tôi luôn muốn cho đi, nhất là những điều tốt đẹp có ích cho xã hội. Cứ cho đi rồi sẽ được nhận lại, nhận lại niềm tin yêu, nhận lại những nụ cười, những hạnh phúc từ cuộc đời”.

Có thể nói rằng, mặc dù là một doanh nhân nhưng anh Sơn dành khá nhiều thời gian tâm huyết cho các hoạt động cộng đồng xã hội. Anh chia sẻ, đây là niềm vui, là ý nghĩa cuộc sống đối với anh. Anh Sơn tâm niệm: “Phải biết biến những cái gì gọi là “của tôi” thành cái của “chúng ta”, như vậy giá trị mới được lan toả, mới được nhân rộng. Tôi không giữ cho riêng mình những ý tưởng ấy, nếu muốn nó đi sâu vào lòng người, nếu muốn tạo ra giá trị nhân văn cho cộng đồng thì cái “tôi” phải được dấu đi để cái “chúng ta” hiện hữu”.

Trách nhiệm với cộng đồng doanh nghiệp

Kể từ khi 2 chương trình, dự án cộng đồng nói trên được phát động vào đầu năm 2015, anh Sơn đã luôn theo sát, dìu dắt các em học sinh, sinh viên từng bước trưởng thành khi tham gia vào dự án. Anh Sơn tâm sự: “Giá trị nhân bản, nhân văn không chỉ là kết quả mang lại cho cộng đồng, cho người bệnh, mà đó còn là sự tham gia nhiệt tình của các em học sinh, sinh viên. Các em chưa ra trường, chưa đi làm, chưa có thu nhập nhưng đã nhiệt tình tham gia đồng hành cùng các anh chị doanh nghiệp đi trước với một tấm lòng cháy bỏng. Các em đã biết sống vì người khác, sống với trách nhiệm phụng sự xã hội, cộng đồng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Và sau này, khi đã trở thành các doanh nhân, các chính khách… dù ở cương vị công tác nào thì chắc chắn các em sẽ vẫn giữ được ý thức phụng sự cộng đồng đó để trở thành những công dân có ích cho xã hội”.

Hết lòng vì cộng đồng, được cộng đồng ghi nhận qua những dự án xã hội đầy nhân văn, anh Sơn “Thạch Bàn” còn được các doanh nghiệp tin tưởng, nể trọng bởi bản thân anh với tư cách Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp quận đã luôn cố gắng hết sức để góp tiếng nói đến chính quyền, nhằm xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp TP.Đà Nẵng lớn mạnh. Cũng vì thế, hầu như tại bất kỳ cuộc họp, cuộc tọa đàm đối thoại nào của thành phố tổ chức với nội dung tìm hướng phát triển cho doanh nghiệp, anh đều tham dự và có những góp ý, chia sẻ hết sức thẳng thắn, chân tình.

Góp ý về việc xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng lớn mạnh, đóng góp nhiều hơn cho xã hội, anh Sơn chia sẻ: “Chỉ cần chính quyền thành phố triển khai thực hiện đúng Nghị quyết 35 của Thủ tướng Chính phủ thì doanh nghiệp tại Đã Nẵng sẽ phát triển bền vững. Nghị quyết 35 là “cứu cánh” trong việc giải quyết các khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp. Hiện nay, Đà Nẵng nói riêng, các địa phương nói chung cần xoáy sâu vào việc thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ. Chính quyền TP.Đà Nẵng cần phải ký một cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với cộng đồng doanh nghiệp về việc thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết 35 của Chính phủ từ nay cho đến năm 2020. Chính quyền phải hỗ trợ tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp cũ tăng quy mô, phát triển mạnh thêm. Cùng với đó là phải tạo ra môi trường thuận lợi hơn để hướng các hộ kinh doanh cá thể phát triển lên thành những doanh nghiệp mới, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách, cho xã hội”.