Chỉ đạo này được nêu trong công điện ngày 12/11 của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên về đảm bảo cung ứng xăng dầu. Theo đó, ông yêu cầu quản lý thị trường phối hợp với Sở Công Thương địa phương kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu, từ doanh nghiệp đầu mối, phân phối cho tới cửa hàng bán lẻ.
Công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường và Cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố nêu rõ, trước những biến động của tình hình kinh tế - chính trị thế giới gây ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong thời gian qua, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã có những chính sách điều hành giá nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu đối với các loại hình thương nhân.
“’Thủ trưởng cơ quan quản lý thị trường chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo, tổ chức công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu”, công điện nêu rõ.
Trước thông tin trên, một số doanh nghiệp cho rằng việc ký cam kết chỉ có thể thực hiện trong phạm vi hệ thống cửa hàng trực thuộc, trong khi các cửa hàng/đại lý không nằm trong hệ thống sẽ không có đủ cơ sở để doanh nghiệp phải ký cam kết.
Trong khi đó, những hệ thống cửa hàng bán lẻ/đại lý trực thuộc hệ thống của doanh nghiệp vẫn được các doanh nghiệp nỗ lực đảm bảo nguồn cung, nên việc ký cam kết cũng không có tác động nhiều.
Đối với những cửa hàng bán lẻ/đại lý không trực thuộc hệ thống, việc mua bán là giao dịch giữa các doanh nghiệp và phải trên cơ sở đồng thuận của cả hai bên, nên rất khó để ký cam kết, nếu như không có hợp đồng đã ký kết trước đó là cơ sở.
Thị trường trong nước những ngày qua vẫn thiếu hụt, khan hiếm nguồn hàng xăng dầu. Giá bán lẻ xăng dầu đã tăng thêm hơn 1.100 đồng một lít với xăng RON 95-III, đưa mặt hàng này lên 23.860 đồng. Nhưng sau điều chỉnh, cung ứng xăng dầu vẫn khó khăn.
Ngày 12/11, tình trạng người dân xếp hàng dài, chờ đợi tới lượt đổ xăng vẫn diễn ra tại nhiều cửa hàng xăng dầu tại các quận nội thành Hà Nội. Nhiều cửa hàng bán lẻ sau thời gian tạm đóng vì hết xăng, đã có nhiên liệu trở lại nhưng hạn chế lượng mua mỗi lượt 50.000 đồng với xe máy, 300.000 đồng với ôtô.
Hôm 11/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương có ngay biện pháp, chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối cung cấp đầy đủ xăng dầu, đảm bảo không để thiếu và khắc phục tình trạng thiếu hụt mặt hàng này từ ngày 12/11.Cùng ngày, Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp khẩn với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan về tình hình cung ứng xăng dầu. Chia sẻ sau cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, khẳng định không thiếu xăng dầu, song thực tế thị trường vẫn ghi nhận đứt gãy ở một số phân khúc.
Nguyên nhân chính dẫn tới đứt đoạn trên thị trường xăng dầu là do doanh nghiệp bị lỗ kéo dài khi các chi phí kinh doanh không được điều chỉnh kịp thời. Chi phí này được Bộ Tài chính tăng tối đa 660 đồng một lít trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu, nhưng vẫn chưa đủ bù đắp so với thực tế. Do đó, Chính phủ yêu cầu Bộ này rà soát, tính toán để điều chỉnh tiếp chi phí xăng dầu tại kỳ điều hành ngày 21/11 tới.