Hỏi: Một bạn đọc ở khu Công nghiệp Đông Anh đặt câu hỏi: Từ ngày 1/7/2022, Chính phủ quy định lương tối thiểu vùng tăng 6%; tuy nhiên 3 tháng qua, công ty tôi không tăng lương với lý do hằng năm đã tăng lương và tiền lương hiện nay cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Việc này có đúng hay không? Xin cảm ơn?
Trả lời: Ngày 12/6/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP Quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, từ ngày 1/7/2022, mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng 6% tùy theo từng vùng. Cụ thể, mức lương tối thiểu tháng vùng I là 4.680.000 đồng/tháng; vùng II là 4.160.000 đồng/tháng; vùng III là 3.640.000 đồng/tháng; vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu giờ, vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ; vùng III là 17.500 đồng/giờ; vùng IV là 15.600 đồng/giờ.
Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn vùng đó.
Tại TP Hà Nội, vùng I áp dụng mức lương tối thiểu 4.680.000 đồng/tháng gồm các quận và các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Chương Mỹ và Thị xã Sơn Tây; vùng 2, mức lương 4.160.000 đồng gồm các huyện còn lại (Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Ba Vì).
Về trường hợp bạn đọc hỏi, theo chuyên gia lao động, hiện nay, các công ty đã thực hiện chế độ lương cao hơn quy định của Chính phủ, có chế độ tăng lương hằng năm thì không áp dụng tăng lương tối thiểu vùng trong trường hợp này nữa. Tuy nhiên, tại một số DN, nếu công ty ký kết hợp đồng lao động với người lao động có quy định tăng lương tối thiểu vùng cộng với phần trăm hằng năm thì phải tăng lương cho người lao động. Còn, nếu DN ký kết hợp đồng lao động với người lao động xác định mức lương cụ thể, ví dụ 5 triệu đồng/tháng hay 7 triệu đồng/tháng… thì không bắt buộc phải tăng lương tối thiểu vùng.
Về hình thức trả lương, Điều 96, Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định: Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Tiền lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.
Kỳ hạn trả lương, người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải trả gộp một lần.
Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
Khi người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
Tại Điều 98, quy định tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
- Vào ngày thường, mức lương ít nhất bằng 150%;
- Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
- Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
Theo Kinh tế Đô thị