Một số người lao động đặt câu hỏi, công ty đưa ra quy định phạt tiền nếu tự ý nghỉ Tết dài hơn quy định, điều này có đúng hay không?
Điều 124 Bộ luật Lao động 2019 quy định có các hình thức xử lý kỷ luật lao động sau đây: Khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng, cách chức, sa thải.
Như vậy, trong trường hợp người lao động tự ý nghỉ Tết Âm lịch 2023 dài hơn quy định thì căn cứ quy định tại nội quy lao động hoặc thỏa thuận trong hợp đồng lao động, công ty có quyền áp dụng hình thức xử lý kỷ luật khiển trách hoặc kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng hoặc cách chức.
Trong trường hợp nêu trên, công ty chỉ có thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải với người lao động tự ý bỏ việc từ 5 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng (khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019).
Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
Ngoài ra, tại Điều 127 Bộ luật Lao động 2019 có quy định: Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động gồm: Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động; Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động; Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Như vậy, theo Luật Lao động 2019 doanh nghiệp không được phép áp dụng hình thức phạt tiền đối với người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật. Trong trường hợp người lao động tự ý nghỉ Tết Âm lịch 2023 dài hơn quy định công ty thì công ty chỉ có thể áp dụng một trong các hình thức xử lý kỷ luật nên trên hoặc trường hợp người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên thì doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo điểm d khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019.