TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐHQG TPHCM chia sẻ với hơn 60 lãnh đạo trường THPT về vấn đề thi THPT và tuyển sinh
Đó là ý kiến đồng tình của TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc ĐHQG TPHCM trước nhận định của các lãnh đạo trường THPT tại hội nghị về tuyển sinh, hướng nghiệp với hiệu trưởng 60 trường THPT do trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tổ chức ngày 6/1.
Tại hội nghị này, ông Nguyễn Đình Phùng- Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An (An Giang) cho rằng làm thế nào để công tác thi tuyển phải ổn định hàng năm, không thể nào mỗi năm mỗi đổi một lần. “Thật ra việc kiểm tra kiến thức, đánh giá năng lực bằng tự luận, bằng trắc nghiệm thì đều có những mặt mạnh và mặt chưa tốt nên vấn đề là cách làm thôi. Trước hết cần phải có sự ổn định chứ mỗi năm mỗi thay đổi thì 1 triệu em học sinh và giáo viên rất vất vả chạy theo”, ông Phùng chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Phùng - Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An (An Giang) băn khoăn về việc thi cử
Theo vị hiệu trưởng này, từ ngày các trường đại học được phép xét học bạ để tuyển sinh thì điểm trung bình cuối năm của học sinh lớp 12 tự dưng khá lên thấy rõ. Do đó, ông Phùng cũng đề nghị điều cần thiết Bộ GD-ĐT nên giao các trường đại học đứng ra tổ chức cụm thi THPT quốc gia, thay vì giao Sở GD-ĐT địa phương chủ trì. “Dĩ nhiên tỉnh chúng tôi và nhiều tỉnh khác tự tin không có chuyện tiêu cực trong thi cử, song nhất thiết nên để trường đại học tổ chức kỳ thi sẽ tốt hơn, độ tin cậy cao hơn", ông Phùng nói.
Số môn học mà thí sinh phải ôn để thi THPT quốc gia năm nay là quá nhiều, khi xuất hiện các bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. "Xin mời quý vị xuống học để làm một lúc tất cả các môn Văn, Toán, Lý, Hoá, tiếng Anh, Sử, Địa. Nhiều thầy cô dạy luyện thi làm thử, hết giờ nhìn lại còn trật nhiều câu trắc nghiệm chứ đừng nói tới học sinh", ông trăn trở.
Còn ông Phan Đoàn Thái, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận, cho biết kết quả thi cử của tỉnh Bình Thuận trong vòng 11 năm qua chưa khi nào vượt qua mức bình quân cả nước. “Chúng tôi thấy gần như tất cả các tỉnh trên mức bình quân cả nước đều nằm ở phía Bắc, các tỉnh phía Nam thấp hơn. Có một năm tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của Bình Thuận đạt cao nhất tới 98,04% thì kết quả của cả nước cũng đạt hơn 99,2%”- ông Thái cho hay. Theo ông Thái, điều đáng mừng là khi có kết quả lãnh đạo tỉnh không chất vấn tại sao kết quả kì thi thấp mà chỉ yêu cầu tìm giải pháp khắc phục.
Qua kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 do trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chủ trì tại Bình Thuận, với cách thực hiện công tâm, khách quan và tỉ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh vừa rồi là thực chất.
Ông Thái chia sẻ hiện nay, học sinh chỉ nghĩ được bao nhiêu điểm rồi vào trường nào mà không tính ra trường làm gì nên thất nghiệp."Tại ở tỉnh Bình Thuận chúng tôi phụ huynh vẫn còn tình trạng “sĩ diện” khi muốn con em vào lớp 10 THPT cho bằng được. Khi tôi thông báo chỉ tuyển 75% học sinh vào lớp 10 công lập thì thậm chí từ chủ tịch, bí thư huyện gửi văn bản về sở đề nghị tăng chỉ tiêu vào lớp 10".
Chia sẻ về vấn đề hướng nghiệp, cô Trần Thị Vương Nhi- trường THPT Nguyễn Trãi (Đồng Nai) chia sẻ trường rất chú trọng đến việc hướng nghiệp cho học sinh nhưng thành công hay không thì không chỉ phụ thuộc vào nhà trường mà còn dựa vào vai trò của gia đình và xã hội. “Hiện nay có nhiều em học sinh khi làm bài test kiểm tra về năng lực ngành nghề của mình thì lại rất hoang mang vì phụ huynh lại không đồng ý với sự lựa chọn ngành nghề đó”.
Cô Trần Thị Vương Nhi cho rằng hướng nghiệp thành công phải có đóng góp từ nhiều phía
Tại hội nghị, một số hiệu trưởng các trường THPT phía Nam cũng bày tỏ lo lắng trước những thay đổi quy chế thi và xét tuyển năm nay: không quy định mức điểm sàn, không giới hạn số nguyện vọng đăng ký xét tuyển..."Quy chế cho thí sinh được đăng ký xét tuyển trước khi thi, liệu có xảy ra tình trạng nộp - rút hồ sơ hỗn loạn như những năm trước?", một đại biểu bày tỏ.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TPHCM, khẳng định kỳ thi THPT quốc gia 3 năm trở lại đây là 3 kiểu khác nhau mà các trường THPT phải lưu ý trong công tác tư vấn cho học sinh. Ông Nghĩa cũng đồng tình với lo lắng của lãnh đạo các trường phổ thông trong việc tổ chức nghiêm túc kỳ thi THPT quốc gia.
Ông Nghĩa cũng nhìn nhận một thực tế đáng lo ngại trong vài năm gần đây khi độ vênh giữa điểm trung bình lớp 12 của học sinh với điểm trung bình thi THPT quốc gia rất lớn. “Lí do thì ai cũng hiểu. Chúng tôi thống kê có những trường độ vênh điểm trung bình lớp 12 và điểm thi THPT quốc gia vênh đến 3-4 điểm”, ông Nghĩa chia sẻ.
Theo dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay, thí sinh thi theo bài thi chứ không theo môn, dẫn đến lượng môn học của thí sinh nhiều hơn năm trước. Bằng việc phân tích dữ liệu các năm gần đây, ông Nghĩa dự báo có 70% thí sinh chọn bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, còn lại sẽ chọn thi khoa học xã hội. TS Nghĩa cho biết, số liệu này dựa trên kết quả đăng ký thi THPT năm 2015 và 2016. Ngoài ra, có khoảng 30% thí sinh tự do sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.