Điện Biên: Quan tâm hỗ trợ người dân tộc thiểu số thoát nghèo

Đặng Thu Hằng
Điện Biên Đông là một huyện miền núi của tỉnh Điện Biên, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Do nằm cách xa trung tâm, giao thông đi lại không thuận lợi, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực không đồng đều, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn cao, vì vậy tỷ lệ hộ nghèo còn cao và không đồng đều giữa các xã trong huyện.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Chính phủ phát động, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy Điện Biên, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh Điện Biên, công tác giảm nghèo của huyện Điện Biên Đông thời gian qua luôn được quan tâm.

Nhiều chủ trương, chính sách của huyện đã được triển khai thực hiện, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển văn hóa xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, cải thiện đáng kể điều kiện sản xuất và đời sống cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Với mục tiêu giúp người dân thoát nghèo bền vững, các địa phương trong huyện đặc biệt quan tâm đến hỗ trợ sinh kế để người nghèo tự vươn lên thoát nghèo.

z5011005148811-67735e56224c46c7636b6534fe891998-1703576386.jpg
Anh Lò Văn Dũng chăm sóc đàn lợn sinh sản.

Là một trong những hộ nông dân tiêu biểu thoát nghèo bền vững ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, hộ gia đình anh Lò Văn Dũng nhờ biết tiếp cận thông tin, chịu khó học hỏi, cùng với sự hỗ trợ của chương trình xóa đói giảm nghèo, từ một hộ có kinh tế khó khăn hiện nay gia đình anh đã có thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm.

Đến bản Mường Luân 2, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, hỏi về anh Lò Văn Dũng thì ai cũng biết vì anh là tấm gương sáng trong công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. Không những vậy, anh Dũng còn là một trong những người tiến bộ của bản biết học hỏi và áp dụng những kiến thức khoa học vào trồng trọt và chăn nuôi. Anh tâm sự: "Trước đây gia đình nghèo lắm, cuộc sống chủ yếu dựa vào tự cung tự cấp, bên cạnh đó trình độ còn hạn chế nên mặc dù đất đai sản xuất nhiều nhưng cũng chỉ biết trồng cây lâu năm, nuôi con vật cũng hay chết nên hầu như không có thu nhập".

z5011005295916-e288ac71706727f967a9db766fe353a3-1703576386.jpg
Mô hình trồng rau của gia đình anh Dũng.

Năm 2010, sau khi vay được 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện, anh đã khai hoang trồng rau và mua lợn giống về để nuôi. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên gia đình cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, cây trồng vật nuôi thường xuyên bị dịch bệnh.

Sau khi được đi học các lớp tập huấn về chăn nuôi lợn sinh sản và được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc, anh dần có kinh nghiệm và mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để tiếp tục tăng số lượng đàn. Đàn lợn mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa 30 con, mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Không những thế, tận dụng phân từ vật nuôi, anh còn cải tạo hơn 1ha diện tích đất khai hoang của gia đình để làm mô hình rau sạch với đa dạng các loại rau như su hào, bắp cải, đậu cô ve, dưa chuột, cải ngồng, cà chua,.... Nhờ xuất bán chho các chợ xung quanh khu vực và các trường học trên địa bàn, bình quân mỗi ngày gia đình anh thu được mỗi năm 100 triệu đồng từ bán rau. Kinh tế gia đình anh đã ổn định.

z5011005461239-a86564d5450b7282a830badf51e02918-1703576385.jpg
Nhờ có thu nhập khá, gia đình anh Dũng đã xây được ngôi nhà mới.

Ông Lò Văn Khánh, Phó chủ tịch UBND xã Mường Luân cho biết: "Gia đình anh Lò Văn Dũng rất tích cực phát triển kinh tế, nhất là xây dựng được mô hình trồng rau sạch và mô hình nuôi lợn sinh sản và chăn nuôi trâu bò. Nhờ đó gia đình có thu nhập khá, đã xây được nhà và ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ cần cù chịu khó, anh Lò Văn Dũng đã trở thành tấm gương tiêu biểu về công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông và của tỉnh Điện Biên".

Bình Nguyên