“Điện Biên Phủ vẫn luôn trong trái tim tôi”

Tấm Thanh Hóa
Năm nay đã ở tuổi 98, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Cao Xuân Thọ không còn đủ sức khỏe để trở lại ngã ba Cò Nòi - nơi cụ và những đồng đội thanh niên xung phong (TNXP) đã từng đổ máu xương, không quản hi sinh làm nhiệm vụ phá bom nổ chậm, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Suốt 70 năm qua, Điện Biên Phủ, hình ảnh ngã ba Cò Nòi mịt mù khói lửa và những đồng đội TNXP vẫn luôn trong trái tim cụ cùng những ký ức đau thương, mất mát và cả niềm tự hào.
image2-1712833701.jpeg
AHLLVT nhân dân Cao Xuân Thọ năm nay 98 tuổi, cụ đang an hưởng tuổi già tại quê nhà trong khung cảnh quê hương thanh bình, nông thôn đổi mới

Đồng chí Cao Xuân Thọ sinh năm 1926, quê xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1946, khi bước vào tuổi 20, thanh niên Cao Xuân Thọ xung phong vào đội tự vệ Thủ đô, sau đó tình nguyện lên đường nhập ngũ. Ban đầu đồng chí là chiến sĩ của Đại đoàn 308, rồi làm nhiệm vụ quân báo tại Cao - Bắc - Lạng và tham gia chiến dịch Thu – Đông (1947). Năm 1949, đồng chí Cao Xuân Thọ được cử đi học quân báo tại Trung Quốc. Về nước, đồng chí gia nhập đội TNXP, tham gia chiến dịch Thượng Lào (13/4-18/5/1953).

Năm 1953, để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đoàn TNXP được thành lập với mật danh: Đoàn X-P. Đồng chí Cao Xuân Thọ được cử làm Đội trưởng Đội phá bom nổ chậm (Đội TNXP 40, thuộc Đoàn TNXP). Đội của đồng chí phụ trách phá bom, thông đường tại Ngã ba Cò Nòi và đường ngầm Hát Lót (Sơn La).

Ngã ba Cò Nòi thuộc xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Đây ngã ba nối giữa đường 41 (từ Sơn La lên Điện Biên, nay là quốc lộ 6) với đường 13 (từ Yên Bái đi Điện Biên, thuộc quốc lộ 37 ngày nay); là cửa ngõ tiến vào Tây Bắc, là tuyến đường nối thông đồng bằng Bắc Bộ, Chiến khu Việt Bắc và Khu IV với Điện Biên Phủ. Mọi hoạt động chi viện lực lượng, vận chuyển xe, pháo, vũ khí, đạn dược, lương thực... lên Điện Biên Phủ đều phải qua ngã ba trọng điểm này. Đặc biệt, khu vực này là một thung lũng hẹp và sâu, hai bên là đồi đất, là vị trí trọng yếu mà Bộ chỉ huy quân Pháp coi là “tử huyệt” của tuyến cung cấp hậu cần cho Chiến dịch. Chính vì vậy, quân địch đã tập trung đánh phá ác liệt, nhằm ngăn chặn, cắt đứt sự chi viện của quân và dân ta với Điện Biên Phủ. Khi đó, bình quân mỗi ngày, ngã ba Cò Nòi phải hứng chịu 300 quả bom (khoảng 69 tấn). Cò Nòi đã được ví như “túi bom”, là “ngã ba lửa”, là “yết hầu” trên huyết mạch giao thông. Trong hơn 18.200 lượt thanh niên xung phong được huy động từ khắp các địa phương để phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ thì thường trực tại Cò Nòi là khoảng 1.000 người (Đội 34 và Đội 40).

Nhớ lại những ngày cùng đồng đội làm nhiệm vụ phá bom nổ chậm tại Cò Nòi, cụ Thọ xúc động kể: “Nhằm chặt đứt con đường huyết mạch duy nhất lên Điện Biên Phủ, số lần đánh phá của Pháp xuống Cò Nòi ngày một dày đặc hơn. Đầu tiên chúng thả bom phá, cày đất lên, rồi hẹn giờ nổ chậm, nhiều nhất là các loại bom bươm bướm. Có ngày chúng liên tục trút bom xuống, tốp máy bay này vừa rời đi, tốp máy bay khác lại kéo đến, chưa phá xong loạt bom trước, loạt sau lại rải xuống. Bom chồng bom, thi nhau phát nổ, khói lửa ngập trời, quân ta thương vong rất nhiều. Chỉ trong 3 tuần, Cò Nòi trơ trọi không còn màu xanh, con đường bị băm nát, bom vùi lấp khắp nơi”.

image1-1712833666.jpeg
 
Cụ Cao Xuân Thọ hiện đang sống cùng con trai là ông Cao An Khánh tại xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Ngày ấy, Đội trưởng Cao Xuân Thọ vừa chỉ huy vừa trực tiếp phá bom. Hiện tuổi đã cao, trí nhớ đã giảm đi nhiều nhưng còn đọng lại sâu đậm nhất trong ký ức của người Anh hùng là hai lần làm nhiệm vụ: một lần đồng chí Thọ cùng đồng đội phá quả bom nổ chậm nằm sâu dưới lòng đất cả chục mét. Lúc đó, Đội TNXP phá bom chỉ có những dụng cụ thô sơ là cuốc, xẻng, thuốc nổ.

“Sau khi đào một hố rộng và sâu, xác định được vị trí quả bom, đồng chí Cam định nhận nhiệm vụ phá bom nhưng tôi ngăn lại. Và chúng tôi cùng ngồi cạnh quả bom, quan sát thật kỹ để xác định đúng loại bom, tính phương án đưa bom đến vị trí khác cho nổ chủ động. Mỗi lần làm nhiệm vụ phá bom là xác định sẽ hi sinh vì mỗi giây phút trôi qua, chúng tôi đều đối mặt với nguy hiểm. Nhưng điều đó không làm chúng tôi nản chí. Những TNXP làm nhiệm vụ phá bom ngày đó đã hạ quyết tâm: “Thanh niên xung phong còn thì mạch máu giao thông được giữ vững”. Đội phá bom chúng tôi cùng chung một nhiệm vụ, một mục tiêu: phá hết bom, đảm bảo thông đường lên Điện Biên Phủ.”

image0-1712833675.jpeg
Khung cảnh thanh bình hôm nay trong Đền thờ liệt sỹ tại chiến trường Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên)

Một lần khác, địch thả quả bom nổ chậm xuống suối sâu cách đường ngầm Tà Vài 4m, nước quá lạnh không ai xuống được, đội trưởng Cao Xuân Thọ nhớ ra mẹo của người dân biển, anh uống liền vài bát nước mắm rồi lấy dây rừng buộc vào người lặn xuống, dặn đồng đội khi nào mình giật dây 3 lần thì kéo mình lên. Và lần đó, quả bom được tìm thấy và phá thành công trong hơn 10 phút. Nhờ chiến công đặc biệt, đồng chí Cao Xuân Thọ được đơn vị tuyên dương.

Trong “sự nghiệp phá bom” của mình, Đội trưởng Cao Xuân Thọ đã được đồng đội truy điệu sống tới 04 lần trước khi thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm (xác định là hi sinh). Nhưng thật may mắn, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và thoát "cửa tử" một cách kỳ diệu. Có một lần đồng chí Cao Xuân Thọ bị thương nặng do bom nổ, bị mất 03 đốt sống lưng. Đồng chí được đưa về trạm y tế tiền phương, rồi bệnh viện Việt Xô điều trị. Sau 9 năm kiên trì, bền bỉ điều trị, luyện tập, đồng chí đã có thể tự đi lại được.

TNXP Cao Xuân Thọ đã vinh dự được trực tiếp gặp Bác Hồ 04 lần, được nhận 03 Huy hiệu Bác Hồ và 01 lần được Bác gắn Huân chương Lao động hạng Ba, là chiến sĩ thi đua tham dự Đại hội liên hoan Anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần thứ hai (07/7/1958). Năm 2014, đồng chí Cao Xuân Thọ được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVT nhân dân vì những công lao của đồng chí đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”

Năm nay, cả nước vui mừng, tự hào kỉ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - một mốc son chói lọi, bản anh hùng ca thời đại trong trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức một thời đạn lửa, Ngã ba Cò Nòi, những đồng đội TNXP đã cùng AHLLVT Cao Xuân Thọ vào sinh ra tử vẫn còn mãi không thể phai mờ. Tuổi cao, sức yếu, trí nhớ đã giảm đi nhiều nhưng cụ Thọ tự hào khẳng định rằng: “Điện Biên Phủ vẫn luôn trong trái tim tôi !”./.

Tâm Ánh