Có trường tăng thêm hàng ngàn nguyện vọng
Số nguyện vọng (NV) thí sinh (TS) đăng ký vào các trường ĐH có nhiều biến động. Đáng chú ý là hiện tượng TS rút hồ sơ từ những ngành có điểm “sàn” cao chuyển sang ngành có “sàn” thấp hơn.
Tổng số NV đăng ký bằng hình thức xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM hơn 23.000, tăng hơn 5.000 so với đợt đăng ký tháng 4. Trong đó những ngành TS tập trung nhiều là công nghệ thực phẩm 2.034, công nghệ sinh học 520, công nghệ hóa học 560… Đặc biệt, nhóm ngành kinh tế có lượng TS đăng ký nhiều như: quản trị kinh doanh 2.011, quản trị nhà hàng 1.845, quản trị du lịch 703…
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có tổng NV sau điều chỉnh lên tới 59.816 (tăng trên 6.500 so với trước đó). Trong đó, riêng NV1 có trên 15.300 (tăng trên 400). Ngành có số TS đăng ký nhiều nhất là công nghệ kỹ thuật ô tô hệ đại trà, chỉ riêng NV1 đã có trên 2.000 hồ sơ (dù đã giảm bớt 900 NV so với trước đó).
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết tổng số NV xét tuyển vào trường sau điều chỉnh giảm 8%. Nhưng nội bộ từng ngành có sự điều chỉnh khác nhau theo hướng giảm những ngành điểm “sàn” cao và tăng những ngành điểm nhận hồ sơ thấp hơn.
Trong khi đó, số NV đăng ký vào Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đã tăng 1/4 so với trước đó. Cụ thể có gần 30.000 NV của gần 22.000 TS đăng ký vào trường. Tuy nhiên TS vẫn đăng ký tập trung vào một số ngành.
Còn Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có khoảng 23.000 NV đăng ký vào 7 ngành (2.500 chỉ tiêu). Trong đó tài chính ngân hàng có nhiều TS đăng ký nhất với 5.300 NV.
Điểm chuẩn tăng, giảm tùy ngành
Dựa trên số lượng TS đăng ký cụ thể, các trường đã đưa ra những dự báo điểm trúng tuyển các ngành.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết điểm chuẩn các ngành sẽ giảm từ 2 - 4 điểm so với năm ngoái. Trong đó ngành cao nhất sẽ không dưới 23 điểm và thấp nhất từ 17,5 trở lên.
Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, điểm chuẩn Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM dự kiến sẽ giảm từ 1 - 2 điểm so với năm ngoái tùy theo nhóm ngành. Phổ điểm chuẩn sẽ nằm trong khoảng từ 16 - 22 điểm (năm ngoái là 17 - 23,75). Tuy nhiên sẽ chỉ có vài ngành điểm chuẩn ở mức 16, các ngành thuộc 2 phân hiệu Gia Lai và Ninh Thuận ở mức 15 điểm.
Trong khi đó, PGS-TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, dự báo điểm chuẩn sẽ tăng, giảm tùy ngành. Một số ngành điểm chuẩn chắc chắn sẽ cao hơn năm ngoái như: kỹ thuật cơ khí, quản trị logistics và vận tải đa phương thức, các ngành kinh tế và công nghệ thông tin. Các chuyên ngành thuộc ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông điểm chuẩn sẽ giảm so với năm ngoái do năm nay tuyển sinh theo từng chuyên ngành.
Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM dự kiến một số ngành điểm chuẩn cao hơn các ngành khác như: quản trị kinh doanh, kế toán, kinh tế quốc tế...
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, dự đoán điểm trúng tuyển ngành công nghệ thực phẩm có thể dao động quanh 20; các ngành công nghệ sinh học, công nghệ kỹ thuật hóa học, công nghệ thông tin điểm chuẩn sẽ khoảng từ 18 -19; các ngành thuộc khối kinh tế, quản trị điểm chuẩn ở mức từ 18 - 20.
Trong khi đó, các ngành ít hồ sơ đăng ký ở đợt đăng ký tháng 4 (như công nghệ vật liệu, công nghệ kỹ thuật môi trường, quản lý tài nguyên môi trường, công nghệ chế biến thủy sản, an toàn thông tin) thì có lượng TS đăng ký nhiều hơn. Dự đoán điểm các ngành này sẽ cao hơn “sàn” từ 2 - 3 điểm (từ 17 điểm trở lên).
Riêng hình thức xét tuyển học bạ, các ngành “nóng” điểm chuẩn tăng hơn năm 2017 khoảng 2 - 3 điểm. Các ngành như thủy sản, môi trường, công nghệ vật liệu mức điểm trúng tuyển có thể là 18.