Tận dụng những lợi thế sẵn có
Phát triển dịch vụ logistics một cách hiệu quả sẽ góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quốc gia. Trong xu thế toàn cầu mạnh mẽ như hiện nay, sự cạnh tranh giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng trở nên gay gắt, khốc liệt hơn. Điều này đã làm cho dịch vụ logistics trở thành một trong các lợi thế cạnh tranh của quốc gia. Những nước kết nối tốt với mạng lưới dịch vụ logistics toàn cầu thì có thể tiếp cận được nhiều thị trường và người tiêu dùng từ các nước trên thế giới.
Chẳng hạn như: Chi lê - một nước mặc dù ở cách xa hầu hết các thị trường lớn, nhưng lại có vai trò rất lớn trong thị trường lương thực thế giới, cung cấp cá tươi và hoa quả khó bảo quản cho người tiêu dùng ở Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ. Đối với những nước không có khả năng kết nối này, chi phí logistics sẽ rất cao và ngày càng gia tăng, khả năng mất cơ hội cũng rất lớn, nhất là những nước nghèo nằm sâu trong đất liền, mà phần lớn là ở Châu Phi.
Đối với những nước phát triển như Mỹ và Nhật, logistics đóng góp khoảng 10% GDP. Với những nước kém phát triển thì tỷ lệ này có thể cao hơn 30%. Sự phát triển dịch vụ logistics có ý nghĩa đảm bảo cho việc vận hành sản xuất, kinh doanh các dịch vụ khác được đảm bảo về thời gian và chất lượng. Logistics phát triển tốt sẽ mang lại khả năng giảm được chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ.
Việt Nam chúng ta nằm ở vị trí trung tâm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương về vận tải biển và hàng không, nơi có những luồng hàng hóa trù mật bậc nhất thế giới đi qua, hàng năm có trên 65.000 lượt tàu thuyền đi qua Biển Đông, chuyên chở khoảng 50% lượng dầu mỏ và hàng hóa xuất nhập khẩu của thế giới.
Bên cạnh đó, trong số 4 hành lang kinh tế của Tiểu vùng Mekong thì Việt Nam là đầu cuối của 3 hành lang, hướng ra biển Đông. Việt Nam sở hữu những vị trí có thể xây dựng cảng biển nước sâu và sân bay trung chuyển quốc tế lý tưởng. Tất cả những điều này cho thấy chúng ta có những tiềm năng và lợi thế phát triển rõ rệt về logistics và có điều kiện để trở thành trung tâm logistics của khu vực.
Thênh thang cơ hội
Dịch vụ logistics ở Việt Nam chiếm khoảng từ 15-20% GDP. GDP năm 2015 ở nước ta đạt khoảng 2.109 USD. Như vậy, chi phí logistics chiếm khoảng 316, 3-421, 8tỷ USD. Đây là một con số rất lớn. Nếu chỉ tính riêng khâu quan trọng nhất trong logistics là vận tải, thì chiếm khoảng từ 40-60% chi phí, cũng là một thị trường dịch vụ khổng lồ.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI - Logistics Performance Index) năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 quốc gia trên thế giới. Tốc độ phát triển bình quân hằng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14-16%, là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc thời gian gần đây.
Theo phát biểu của ông Trần Thanh Hải (Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương) thì rất nhiều nhà chuyên môn dự báo rằng sẽ có làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam sắp tới. Hiện tại, 25 công ty nước ngoài đang chiếm thị phần logistic khá lớn tại Việt Nam có thể kể đến như Nippon Express, Expeditors, Panalpina, Agility, DHL, Global Forwarding, DGF,… Đây đều là những tập đoàn lớn, có đến hàng trăm năm tuổi đời.
Kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam đang giữ với đà tăng trưởng trung bình từ 8 - 10%, chính vì vậy, nhu cầu cho các dịch vụ logistics như đóng gói, kho bãi, giám định chắc chắn sẽ tăng trưởng theo tỉ lệ tương ứng.
Nâng chất lượng, hạ giá thành
Theo hãng tư vấn Armstrong and Associates, thị trường logistics toàn cầu được dự báo tăng trưởng trung bình 6,54%/năm trong giai đoạn năm 2017-2020, và đạt 15,5 nghìn tỷ USD vào năm 2024, gần gấp đôi so với mức 8,2 nghìn tỷ USD năm 2016.
Thương mại điện tử đang và sẽ là nhân tố dẫn dắt chính sự phát triển của logistics toàn cầu trong thời gian tới. Mặc dù hiện chỉ chiếm trên 5% doanh thu toàn thị trường nhưng với tốc độ tăng trưởng luôn cao hơn mức trung bình của toàn ngành logistics toàn cầu, dự kiến đến năm 2020, thương mại điện tử sẽ chiếm khoảng 7,2-7,5% tổng doanh thu logistics thế giới (, 2017).
Nhìn chung, lĩnh vực logistics toàn cầu sẽ chuyển dịch trọng tâm về thị trường đang phát triển tại châu Á cùng với sự chuyển dịch của các tập đoàn sản xuất và sự phát triển sôi động của các thị trường bán lẻ tại châu Á.
Các thương vụ M&A (Sát nhập và mua lại) sẽ đóng vai trò quan trọng ở giai đoạn đầu, phần nào giúp giảm sự phân mảnh thị trường, tuy nhiên, về lâu về dài, chính sự đầu tư vào công nghệ và con người mới là yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của logistics toàn cầu.
Trong bức tranh phát triển đó, Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế chung của thế giới. Thậm chí logistic là con đường sống còn đối với các Doanh nghiệp trong nước nếu muốn tạo ra năng lực cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, đến nay, ngành nghề này vẫn chưa phát triển mạnh như kỳ vọng. Chi phí cao, doanh nghiệp (DN) mới chỉ đáp ứng được từng khâu thay vì toàn bộ dịch vụ logistics chính là yếu tố khiến sức cạnh tranh của DN dịch vụ logistics Việt Nam còn kém so với các DN nước ngoài.
Phát biểu chỉ đạo tại “Hội nghị toàn quốc về logistics - Các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông” diễn ra tháng 4/2017 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: “Phải phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới”. “Ta cứ lo sản xuất trái cây, chế biến thủy sản nhưng chi phí vận chuyển lớn sẽ khiến trái cây, thủy sản không cạnh tranh. Chi phí logistics quá cao sẽ nhấn chìm “con tàu” của chúng ta. Chi phí này có sự đóng góp tương đối lớn của chi phí vận tải. Cho nên, cùng với việc cải cách hành chính, chủ động đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), việc cắt giảm các chi phí lên DN, đặc biệt là chi phí vận tải cần phải được thực hiện hiệu quả hơn.”
Xu thế chung của các chủ hàng hiện nay là muốn sử dụng một dịch vụ logistic nhanh, thuận tiện, gọn nhưng chi phí phải hợp lí nhất. Nếu không có những bước phát triển đột phá trong thời gian tới, thì chắc chắn những lợi thế sẵn có của chúng ta trong ngành logistic sẽ dần trở nên mất tác dụng dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0. Còn nếu những cố gắng và thay đổi diễn ra kịp thời chắc chắn sẽ tạo đà cho nền kinh tế Việt Nam cất cánh.