Dịch COVID-19 ở Trung Quốc tiếp tục có xu hướng tăng mạnh

Nguyễn Diệp Linh
Số ca mắc COVID-19 ở Trung Quốc đang có xu hướng tăng mạnh trong bối cảnh đã siết chặt lệnh phong tỏa.

Reuters dẫn lời Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết nước này ngày 8-11 ghi nhận 7.475 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, tăng từ 5.496 ca một ngày trước đó và là mức cao nhất kể từ ngày 1-5 năm nay.

Các thành phố quan trọng về mặt kinh tế, bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh, đã tiến hành xét nghiệm hàng loạt và phong tỏa những khu vực bị ảnh hưởng.

Riêng Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, báo cáo 2.377 ca COVID-19 mới ngày 8-11, tăng từ 1.971 ca một ngày trước đó. Nhiều quận ở Quảng Châu đã áp đặt các hạn chế và lệnh phong tỏa.

trung-quoc-covidjpeg-1667910778.jpgMột người dân xét nghiệm PCR ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hồi tháng 9/2022. Ảnh: VOV

Tuy nhiên, địa phương này đang cố tránh viễn cảnh bị phong tỏa nghiêm ngặt giống TP Thượng Hải. Thượng Hải, hiện không phải đối mặt với làn sóng COVID-19 hồi sinh, đã bị phong tỏa vào tháng 4 và tháng 5 năm nay sau khi báo cáo hàng ngàn ca mắc mới mỗi ngày trong tuần cuối cùng của tháng 3.

Trong khi đó, TP Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, ngày 8-11 ghi nhận 733 ca COVID-19 mới, tăng gấp đôi so với ngày trước đó.

Tại thủ đô Bắc Kinh, nhà chức trách phát hiện 64 ca COVID-19 mới khiến nhiều tòa nhà và địa điểm bị phong tỏa.

Siêu đô thị Trùng Khánh cũng ghi nhận 281 ca COVID-19 mới, tăng từ 120 ca một ngày trước đó. Ít nhất 4 quận ở Trùng Khánh bị áp đặt các hạn chế bổ sung. Các quán karaoke, phòng khiêu vũ và địa điểm giải trí bị đóng cửa. Một quan chức địa phương mô tả tình hình dịch bệnh đang diễn biến "phức tạp và nghiêm trọng".

Thời gian gần đây, Trung Quốc đang có những điều chỉnh nhỏ trong các biện pháp phòng chống COVID-19, như chống dịch chính xác hơn với việc thu hẹp quy mô phong tỏa, tung ra vaccine mới dạng hít cho mũi tăng cường hay tăng thêm các chuyến bay quốc tế... Các nhà chức trách nhiều địa phương cũng đang cố gắng hạn chế tình trạng phong tỏa giống như Thượng Hải, trung tâm tài chính và là đại đô thị đông dân nhất Trung Quốc như hồi giữa năm, khiến thành phố tê liệt gần như hoàn toàn tới 2 tháng.

Mặc dù vậy, theo các nhà phân tích và chuyên gia, Trung Quốc khó có khả năng nới lỏng đáng kể cách tiếp cận “Zero COVID” trước kỳ họp Quốc hội thường niên dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3/2023. Hồi cuối tuần trước, giới chức y tế nước này vừa tái khẳng định sẽ tiếp tục thực thi chính sách “Không COVID-19 năng động”, bởi theo họ đây là chiến lược “đúng đắn, tiếp kiệm và hiệu quả nhất”.

Hạnh (T/h)