Khởi động Tháng thanh niên năm nay, Ban Thường vụ Huyện đoàn Tân Kỳ (Nghệ An) chỉ đạo tiến hành thí điểm xây dựng mô hình “Chợ thanh toán điện tử” (chợ 4.0) tại xã Nghĩa Dũng, với việc cấp tài khoản thanh toán, mã QR cho 20 hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ. Lý giải nguyên nhân lựa chọn Nghĩa Dũng, một xã miền núi khó khăn nằm cách xa trung tâm huyện để thí điểm mô hình, Bí thư Huyện đoàn Tân Kỳ Hoàng Thị Trang cho rằng, mục đích để người dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với hình thức thanh toán điện tử, tạo thuận lợi hơn trong các giao dịch mua bán. Hiện nay rất nhiều bà con ở đây đã sử dụng điện thoại thông minh và có tài khoản ngân hàng.
Nói về lợi ích của mô hình, ông Hoàng Xuân Mai, tiểu thương lâu năm ở chợ Nghĩa Dũng phấn khởi: “Lâu nay, người bán hàng thường lo nhầm lẫn trong việc trả lại tiền thừa cho khách. Nếu trả lại thừa tiền thì người bán bị thiệt, còn thiếu thì khách hàng mất lòng tin vào người bán. Có nhiều trường hợp đã xảy ra cãi vã, mất lòng nhau vì nhầm lẫn này. Việc dùng hình thức thanh toán điện tử rất tiện lợi cho cả người bán lẫn người mua. Nếu có xảy ra nhầm lẫn khi trả tiền thì rất dễ dàng kiểm tra và xử lý. Bên cạnh đó, không sử dụng tiền mặt cũng khiến người dân an tâm hơn khi đi chợ, bởi đỡ lo bị mất trộm hay đánh rơi tiền”.
Tại chợ Hộ Phòng (thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu), ngay sau khi mô hình chợ 4.0 được khởi động, tuổi trẻ và người dân trên địa bàn đã có những trải nghiệm thú vị, tiện ích khi sử dụng dịch vụ thanh toán không tiền mặt. Tiểu thương trẻ Lê Quỳnh Như đon đả hướng dẫn khách hàng dùng điện thoại thông minh quét mã QR được đặt tại sạp hàng, dễ dàng thanh toán trong vòng chưa đầy một phút thông qua ứng dụng số. Việc thanh toán được thực hiện ngay cả khi không có kết nối wifi, 3G/4G.
Các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, đoàn viên, thanh niên tỉnh Bạc Liêu trải nghiệm mô hình chợ 4.0 do Tỉnh đoàn phát động. |
Bên cạnh đó, tiểu thương, người dân còn có thể thanh toán hóa đơn các dịch vụ thiết yếu hằng ngày như tiền điện, tiền nước, dịch vụ hành chính công, mua sắm, giải trí, giao thông-vận tải, vé máy bay, bảo hiểm... Nhiều người dân bày tỏ phấn khởi khi không chỉ dẹp nỗi lo đánh rơi tiền hoặc bị trộm cắp mà còn tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của Nhà nước, chống tham nhũng, tiêu cực, rửa tiền.
Trước những tiện ích thấy rõ, tổ chức đoàn và đoàn viên, thanh niên Bạc Liêu đã ra quân vận động cài đặt ứng dụng thanh toán điện tử và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của tiểu thương, người dân. Thành công bước đầu của mô hình là tiền đề để Tỉnh đoàn tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan nhân rộng chợ 4.0 tại tất cả 64 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, khuyến khích người dân, tiểu thương quen dần với việc thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng chợ truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại.
Ở TP Hải Phòng, để thực hiện và phát huy hiệu quả dịch vụ thanh toán điện tử, Ban Thường vụ Thành đoàn phối hợp với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-chi nhánh Hải Phòng triển khai mô hình “Chợ dân sinh chuyển đổi số và khu phố 4.0”. Theo đồng chí Vương Toàn Thu Thủy, Bí thư Thành đoàn Hải Phòng, việc triển khai thực hiện mô hình được sự đồng tình cao của cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong triển khai thực hiện, Ban Thường vụ Thành đoàn bám sát từng bước kế hoạch đề ra, phát huy vai trò của các đội hình thanh niên xung kích trực tiếp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân sử dụng. Đến nay, Thành đoàn triển khai được 4 chợ trên địa bàn quận Kiến An và Lê Chân. Hết năm 2023, phấn đấu mỗi phường/thị trấn có ít nhất một mô hình chợ dân sinh chuyển đổi số hoặc khu phố 4.0, tổng cộng 75 mô hình.
Cùng với các đơn vị nêu trên, nhiều tổ chức đoàn trong cả nước đã và đang đẩy mạnh thực hiện, phối hợp nhân rộng mô hình chợ 4.0. Các đội thanh niên tình nguyện tích cực tuyên truyền về những lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt; hướng dẫn, vận động người dân sử dụng, cài đặt nền tảng thanh toán điện tử trên điện thoại thông minh... Từ đó giúp người dân thích ứng nhanh với những thay đổi của công nghệ số, sử dụng công nghệ số, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số.
Theo đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, tháng 3 năm nay là Tháng thanh niên đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, thể hiện sự quyết tâm của tuổi trẻ cả nước trong việc tạo ra những giá trị mới, đóng góp cụ thể thực hiện chủ đề công tác năm 2023 là "Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn" và chủ đề "Năm dữ liệu số" của Chính phủ.
Chợ 4.0 là một trong những mô hình cụ thể hóa chủ đề "Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số" của Tháng thanh niên năm nay, thiết thực góp phần tăng cường chuyển đổi số đồng bộ trên tất cả các mặt công tác của Đoàn, phát huy vai trò của thanh niên tham gia công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong thực tiễn cuộc sống và nâng cao năng lực số cho thanh thiếu nhi.