Trước đó, tổ công tác của Bộ GD&ĐT do ông Mai Văn Trinh, Cục Trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, làm trưởng đoàn đã làm việc với Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La về xác minh những bất thường liên quan đến vấn đề điểm thi THPT Quốc gia 2018.
Theo kế hoạch, Tổ công tác của Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành chấm lại các bài thi ngay trong đêm 19/7 nhằm xác minh những nghi vấn liên quan đến kết quả thi THPT Quốc gia tại tỉnh Sơn La.
Tại Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, trong chiều 19/7, các giáo viên chấm thi đã được triệu tập đến để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh. Dự kiến, kết quả kiểm tra, xác minh sẽ được tổ công tác công bố trong thời gian sớm nhất.
Theo phổ điểm của Bộ GD&ĐT, tỉnh miền núi Sơn La có điểm trung bình tất cả môn thi THPT Quốc gia là 4,21, thấp nhất cả nước. Điểm trung bình môn Toán, Địa lý, Giáo dục Công dân xếp cuối cùng trong 63 tỉnh, thành; Ngoại ngữ, Vật lý đứng thứ 62; Ngữ văn, Hóa học, Lịch sử thứ 61 và Sinh học thứ 51.
Tuy nhiên, tỷ lệ thí sinh Sơn La đạt điểm từ 9 trở lên với môn Toán và Vật lý vượt xa một số địa phương có truyền thống học tốt. Riêng môn Toán, Sơn La có 30 em đạt điểm từ 9 trở lên, chiếm gần 0,3% thí sinh cả nước.
Theo bảng thống kê trong top thí sinh có điểm cao nhất kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 của cả nước, có 2 thí sinh của Sơn La. Đặc biệt là điểm công bố của 2 thí sinh này đều cách xa so với điểm thi thử trước đó diễn ra tại trường.
Cụ thể thí sinh N.D có đến hai điểm 10 cho môn Lịch sử và Tiếng Anh, các môn khác Toán 9,6; Ngữ văn 9,0; Địa lý 8,25, GDCD 7,5. Điểm thi thử hồi tháng 3 của em này là Toán 6,4; Ngữ văn 6,5; Tiếng Anh 5,8; Lịch sử 5,5; Địa lý 4,25; GDCD 5,5.
Còn thí sinh B.N có điểm thi 6 môn: Toán 9,8; Ngữ văn 8,75; Lịch sử 7,5; Địa lý 8,25; Giáo dục Công dân 8; Tiếng Anh 9,8. Điểm thi thử, thí sinh này có điểm Toán: 5; Ngữ văn: 4; Tiếng Anh: 1,2; Lịch Sử: 6,25; Địa lý: 6,25; Giáo dục Công dân: 5,25.
Ông Hoàng Tiến Đức – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho biết, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đang lên làm việc với tỉnh. Mấy ngày vừa qua, Sở đã chỉ đạo lực lượng cán bộ rà soát lại toàn bộ các quy trình. “Còn tôi khẳng định trong suốt kì thi vừa qua, chúng tôi đã làm đúng các quy trình, quy định. Tôi đã chỉ đạo anh em làm trực tiếp đúng theo quy trình”, ông Đức nói.
“Chúng tôi đã rà soát lại các quy trình thực hiện, còn điểm thi khi được lệnh của Bộ GD&ĐT thì chúng tôi đã rà soát. Không có điều gì bất thường trong quy trình của chúng tôi cả”, ông Đức cho biết thêm.
Nói về trường hợp 2 thí sinh này, ông Phạm Đăng Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La khẳng định: “Sau thi thử thì các em có hơn 3 tháng để luyện thi. Các em không chỉ luyện thi ở trường mà một số gia đình còn thuê cả gia sư để luyện thi. Như vậy trong hơn 3 tháng đó, các em toàn tâm toàn ý cho việc luyện thi, đặc biệt là các môn thi nằm trong tổ hợp thi đại học. Nhiều người so sánh kết quả thi thử với thi THPT quốc gia nhưng lại chưa quan tâm nhiều đến kết quả học tập của các em ra sao”.
Qua hiện tượng của Hà Giang và theo phân tích của một số chuyên gia có kinh nghiệm về thống kê số liệu học, nhất là về điểm thi chênh lệch ở hai môn Toán và Vật lý của tỉnh Sơn La, người dân và nhiều phụ huynh học sinh có quyền nghi ngờ về những bất thường trong điểm số được công bố. Dư luận cũng mong muốn sau Hà Giang cần phải rà soát, thẩm định lại các bài thi có dấu hiệu nghi vấn tại Sơn La.