Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đưa ra hai phương án sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu để khuyến khích người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội sau tuổi nghỉ hưu.
Phương án 1: Mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Phương án 2: Mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Đối với trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định mà tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, sau khi đưa ra lấy ý kiến, đa số các góp ý đều đồng ý với phương án 2 của dự thảo Luật nhằm khuyến khích người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội sau tuổi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, cần làm rõ quy định mức đóng và phương thức đóng của người lao động. Vì người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị thực hiện theo phương án 1 để đảm bảo sự công bằng giữa các nhóm đối tượng tham gia.
Giải trình về nội dung này, cơ quan soạn thảo cho biết, với mục tiêu khuyến khích người lao động khi đã đủ điều kiện hưởng lương hưu mà vẫn tiếp tục làm việc và đóng bảo hiểm xã hội (không hưởng lương hưu ngay), quy định này áp dụng chung cho tất cả đối tượng tham gia có thời gian đóng bảo hiểm xã hội sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%.
Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến góp ý, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu thể hiện trong dự thảo theo phương án 2.
Theo quy định hiện nay, nếu người lao động tham gia bảo hiểm xã hội đủ 35 năm đối với nam, 30 năm đối với nữ, khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng 75% lương mỗi tháng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống kê trong giai đoạn 2016-2022, cả nước đã giải quyết gần 763 nghìn người hưởng lương hưu (trung bình mỗi năm giải quyết đối với khoảng 109 nghìn người). Trong đó, có khoảng 420 nghìn người đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, chiếm tỷ lệ 55,2% số người được giải quyết hưởng chế độ hưu trí.
Hiện nay, cơ quan Bảo hiểm xã hội đang thực hiện chi trả cho khoảng 2,7 triệu người hưởng lương hưu. Trong tổng số người hưởng này, phần lớn có mức hưởng từ 3 triệu đồng/tháng đến dưới 7 triệu đồng/tháng với gần 1,9 triệu người (chiếm 68,3% tổng số người hưởng lương hưu trên cả nước).
Mức hưởng lương hưu tỉ lệ thuận mới mức đóng và thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Có nghĩa là mức đóng bảo hiểm xã hội càng cao, thời gian đóng bảo hiểm xã hội càng dài thì mức hưởng lương hưu cũng sẽ càng cao.
Từ năm 2016 đến năm 2023, Chính phủ đã 6 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng với các mức điều chỉnh tương ứng: 8% (năm 2016); 7,44% (năm 2017); 6,92% (năm 2018); 7,19% (năm 2019); 7,4% (năm 2022); 12,5% – 20,8% (năm 2023) trên mức lương hưu hiện hưởng.
T/H