Đề xuất mở rộng diện bắt buộc tiêm vaccine phòng bệnh truyền nhiễm

Đặng Thu Hằng
Bộ Tư pháp đề nghị mở rộng diện bắt buộc tiêm vaccine sang người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có nguy cơ dịch bệnh.

Bộ Tư pháp đang đề nghị đưa Luật Phòng bệnh vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023.

Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc tiêm vaccine, sinh phẩm y tế. Người có nguy cơ mắc bệnh tại vùng có nguy cơ dịch bệnh chưa buộc phải tiêm vaccine.

Bộ Tư pháp cho rằng, việc sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc tại vùng nguy cơ có dịch sẽ đảm bảo dự phòng toàn diện và tránh bùng phát dịch. Nguồn kinh phí chi trả với các loại vaccine, sinh phẩm y tế được dùng để tiêm bắt buộc cũng cần xã hội hóa để giảm phụ thuộc ngân sách.

Vừa qua, lãnh đạo Chính phủ và địa phương thường xuyên đốc thúc tiêm chủng vaccine Covid-19. Tuy nhiên, do quy định hiện hành chưa nêu rõ việc này là bắt buộc hay tự nguyện nên nhiều người cho rằng tiêm vaccine không còn cần thiết, có địa phương buộc người dân ký cam kết chịu trách nhiệm nếu không tiêm vaccine. Lãnh đạo Bộ Y tế sau đó khẳng định "tiêm vaccine Covid-19 là nghĩa vụ của người dân để phòng chống dịch bệnh".

Hà Nội tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ, tháng 4/2022. Ảnh: Phạm Chiểu

Hà Nội tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ, tháng 4/2022. Ảnh: Phạm Chiểu

Tiêm chủng mở rộng hiện nay do trạm y tế xã, phường thực hiện vào một số ngày cố định trong tháng. Riêng vaccine viêm gan B sơ sinh do cơ sở y tế có phòng sinh tiêm cho trẻ trong 24h đầu sau sinh. Quy định này theo Bộ Y tế là hạn chế tiếp cận dịch vụ của người dân, tăng gánh nặng cho cán bộ y tế cơ sở.

Hình thức này không khuyến khích bệnh viện công lập tỉnh, huyện hoặc bệnh viện tư tham gia tiêm chủng mở rộng, trong khi những nơi này có khả năng tiêm cho trẻ, phụ nữ mang thai và nhóm khác. Hình thức tiêm chủng hiện nay thể hiện bao cấp quá lớn của Nhà nước, gây khó khăn cho đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hỗ trợ y bác sĩ. Trên thế giới, nhiều nước đã tiêm chủng hàng ngày cho trẻ ở tất cả cơ sở y tế đủ điều kiện.

Theo quy định hiện hành, khi tiêm chủng, nếu xảy ra tai biến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc thiệt hại tính mạng người dân thì Nhà nước phải bồi thường. Tuy nhiên, hướng dẫn cụ thể về nội dung này chưa có, nên việc hỗ trợ trẻ bị sự cố tiêm chủng chưa thống nhất, khó giải thích với người nhà, dẫn đến hiểu nhầm trong xã hội. Do đó, Bộ Tư pháp cho rằng cần xác định cụ thể các trường hợp nhà nước bồi thường và xác định rõ mức bồi thường.

Bộ cũng đề xuất trong dự thảo Luật Phòng bệnh cần chuyển một số bệnh truyền nhiễm nhóm B (nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong) thành nhóm A (đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh); bổ sung một số bệnh truyền nhiễm mới. Hiện có 10 bệnh nhóm A, 27 bệnh nhóm B, 24 bệnh nhóm C. Tuy nhiên, việc chia nhóm hiện nay chưa phù hợp thực tế và quy định quốc tế.

Bộ Tư pháp đề xuất đưa dự án Luật Phòng bệnh vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).