Để trẻ tự học ở nhà, nên hay không?

Tạp Chí Nhân Đạo
Ngày 28/05, tại trường Đại học Hoa Sen, buổi tọa đàm “Homeschooling: sự lựa chọn nào dành cho con bạn?” đã được nhiều ý kiến phản hồi xung quanh phương pháp “Học tại nhà - Homeschooling” đang “hot” hiện nay.

Giáo sư Tiến sĩ Trương Nguyện Thành – Phó Hiệu trưởng điều hành Trường Đại học Hoa Sen nhận định: “Homeschooling giúp trẻ chủ động thời gian học và chơi nhưng mặt khác phương pháp này cũng vô ích nếu như chính trong tư tưởng đứa trẻ đó không muốn học hay học sai lệch đi ý nghĩa ban đầu của nó”.

Theo giáo sư Thành, giáo dục Việt Nam còn quá chú trọng đến kiến thức chuyên môn mà bỏ quên nhiều kĩ năng quan trọng khác. Điều đó sẽ tạo ra sự mất cần bằng trong giáo dục cho trẻ em có độ tuổi từ 10 đến 18 – độ tuổi mà đáng lẽ ra trẻ cần phải được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Thực trạng đó khiến nhiều phụ huynh và học sinh ở Việt Nam ngày càng lo ngại khi cho con em mình đến trường.

phu huynh chia se y kien
Buổi tọa đàm thu hút rất nhiều phụ huynh tham gia chia sẻ.

Sự việc nóng lên từ câu chuyện của gia đình anh Đặng Quốc Anh và chị Lê Thị Thanh (ở quận Tân Bình, TP.HCM). Sau khi cảm thấy quá mệt mỏi với việc học hành của con ở trường, hai vợ chồng quyết định cho cả hai cậu con trai là Đặng Thái Anh (sinh năm 2003) và Đặng Nhật Anh (sinh năm 1998) ở nhà tự học từ năm 2014 theo phương pháp Homeschooling. Sau khi câu chuyện này được đăng tải, nhiều phụ huynh cho biết từ lâu đã quan tâm đến phương pháp Homeschooling và đây là mô hình học tập được nhiều bậc phụ huynh mong muốn chọn lựa cho con mình.

Giáo sư Vũ Đức Vượng - Nguyên Giám đốc chương trình Giáo dục tổng quát tại Trường Đại học Hoa Sen cũng đồng tình với quan điểm của giáo sư Thành khi cho rằng, dạy học cũng giống như dắt một con lạc đà tới vũng nước xanh tươi nhưng nếu nó không chịu uống thì chỉ phí hoài công sức. Việc đưa cho con em mình nhiều cơ hội là tốt, nhưng nếu chính chúng không nắm bắt được thì cũng như dã tràng xe cát biển đông.

Tuy nhiên, Giáo sư Vượng cho rằng Homeschooling chỉ phù hợp với một số gia đình có đầy đủ điều kiện về tài chính, thời gian và quan trọng chính là cha mẹ của các em đó phải là những người có kiến thức sâu rộng.

Tự nhận mình không phải là một nhà nghiên cứu giáo dục, nhà báo Thu Hà, tác giả quyển sách "Con nghĩ đi, mẹ không biết" cũng góp quan điểm riêng về mô hình giáo dục tại nhà.

Nhà báo cho rằng, Homeschooling chỉ phù hợp với một số trường hợp đặc biệt, còn đối với trường hợp như chị - một bà mẹ đơn thân và phải gánh vác kinh tế gia đình thì điều đó là một việc bất khả thi.

Nhà báo có quan điểm khác so với những khách mời còn lại khi cho rằng chính những tiêu cực ở trường sẽ giúp con mình được thử thách và rèn dũa nhiều hơn.

“Việc học kiến thức chỉ là một phần mà quan trọng hơn là học cách giao tiếp, tạo dựng các mối quan hệ chất lượng, giúp con tập sống trong môi trường thực tế ngay từ sớm. Khi xảy ra vấn đề, chúng ta không nên lẩn tránh mà nên tìm cách sống chung và hoà giải những mâu thuẫn từ từ”, nữ nhà báo nói.

“HomeSchooling, hackshooling, Uncshooling,…” đã và đang là những khái niệm mới trong giáo dục, được mọi người bắt đầu chú ý và cho rằng có thể thay thế những phương pháp giáo dục truyền thống tại trường học. Không cần đến trường, trẻ tự học ở nhà theo hướng dẫn của cha mẹ, tháo bỏ những áp lực về điểm số, học để khai phóng bản thân và học để làm cho cuộc sống hạnh phúc.