ĐBQH Nguyễn Hải Anh: Kỳ họp bất thường lần thứ 2 - Kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiến

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
8h00 sáng 05/01/2023, Quốc hội Khóa XV sẽ khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2 tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội. Chia sẻ trước thềm Phiên khai mạc, đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa quan trọng nhằm xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn.

050120230843-kl90o-1672903300.jpg

 

Theo dự kiến chương trình, Quốc hội họp tập trung trong thời gian 4 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 9/1/2023).

Về công tác xây dựng pháp luật, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 3 Nghị quyết, gồm: Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050. Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược. Nghị quyết về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.

Về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét công tác nhân sự đại biểu và nhân sự khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội (nếu có).

Chia sẻ trước thềm Phiên khai mạc Kỳ họp, đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa quan trọng nhằm xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Phóng viên: Thưa đại biểu, kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ chính thức khai mạc vào 8h00 sáng 5/1 tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội. Vậy, đại biểu có đánh giá như thế nào về sự cần thiết phải triệu tập kỳ họp lần này?

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Theo Nội quy kỳ họp Quốc hội, trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường để thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, trừ nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, sau khi xem xét kỹ lưỡng, thận trọng về các mặt và nội dung chuẩn bị do Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Quốc hội Khóa XV.

Đây là lần thứ hai Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường nhằm xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc sống. Trước đó, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất đã được tổ chức thành công. Kết quả của kỳ họp đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ, cải cách, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia.

Những nội dung được xem xét, cho ý kiến lần này đều là những vấn đề quan trọng, cần phải được sớm thông qua và đã được Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.

Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Vì vậy, việc tổ chức kỳ họp tiếp tục khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, khẳng định Quốc hội luôn nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của Nhân dân.

Phóng viên: Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội tập trung xem xét, thông qua 05 nội dung quan trọng liên quan đến công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng và công tác giám sát. Vậy, đâu là nội dung đại biểu đặc biệt quan tâm trong số những nội dung trình Quốc hội lần này?

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: 05 nội dung được xem xét tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 đều là những vấn đề quan trọng, cấp thiết, đã được cân nhắc, chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong đó, việc xem xét, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu mong mỏi của không chỉ ngành y tế mà của toàn xã hội nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động khám, chữa bệnh; tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế.

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa qua. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất báo cáo Quốc hội về việc chưa xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4 để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Vì vậy, ngay sau Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp chặt chẽ với cơ quan trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan để tiếp thu, giải trình các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); tiếp tục xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật; lấy ý kiến và tiến hành khảo sát tại địa phương về việc thực hiện chính sách khám bệnh, chữa bệnh và về tài chính, nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Vừa qua, tại phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét, cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở Báo cáo số 477/BC-CP ngày 07/12/2022 của Chính phủ về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Trên cơ sở ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của đại biểu Quốc hội,… cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật gồm 12 chương, 121 điều.

Về cơ bản dự thảo luật đã khắc phục được nhiều nội dung được nêu tại Kỳ họp thứ 4, mặc dù vậy vẫn còn một số nội dung cần Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng như: Quy định về hội đồng y khoa; Về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước; Về cấp chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh; Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Phóng viên: Việc tổ chức các kỳ họp bất thường được nhận định là một trong những nét đổi mới mạnh mẽ tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây là bước tiến quan trọng để tiến tới một “Quốc hội hoạt động thường xuyên”. Vậy, quan điểm của đại biểu như thế nào về nhận định này?

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Có thể thấy, việc triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XV được coi là quyết định lịch sử của Quốc hội Việt Nam trong 76 năm qua, khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, khẳng định Quốc hội luôn nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích nhân dân. Thành công của kỳ họp đã kịp thời tháo gỡ, và tạo cơ sở pháp lý vững chắc nhằm hỗ trợ, cải cách, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid -19.

Phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh “với việc tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn’”.

Tiếp nối thành công đó, và để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, Quốc hội tiếp tục tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ hai, xem xét, quyết định 05 vấn đề quan trọng.

Như vậy, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong bối cảnh mới, Quốc hội khóa XV đã chủ động, không ngừng tìm tòi các dư địa đổi mới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân. Với những đổi mới mạnh mẽ trong cách thức tổ chức các kỳ họp, trong phương thức triển khai hoạt động giám sát, trong thẩm tra/cho ý kiến các dự luật,… đã thể hiện rõ nét hình ảnh một “Quốc hội hành động”, tạo bước tiến vững chắc, quan trọng để tiến tới một “Quốc hội hoạt động thường xuyên”.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Theo báo Quốc Hội